Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Thí sinh hài lòng kết thúc bài thi cuối cùng

Thứ bảy, 24/06/2017 15:55
(ĐCSVN) - Sáng nay 24/6, kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã chính thức khép lại với bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Các thí sinh thực hiện mỗi môn thành phần 40 câu trắc nghiệm trong thời gian làm bài 50 phút/môn.

Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng bài thi tổ hợp KHXH vào kỳ thi THPT quốc gia. Về hình thức thi, các thí sinh phải làm 120 câu hỏi bài tổ hợp gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm, thời gian mỗi môn 50 phút. Cũng giống như bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, với 2 môn thi đầu tiên, thí sinh phải nộp lại đề thi và giấy nháp cho cán bộ coi thi. Môn thi cuối cùng, thí sinh được phép mang đề thi về. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được Bộ đưa vào một kỳ thi THPT quốc gia.

Các thí sinh khá thoải mái khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh:KS)

Ghi nhận tại điểm thi của trường THPT Nguyễn Trãi, hầu hết các thí sinh đều ra về với tâm trạng thoải mái và tự tin vào kết quả của mình. Phạm Quỳnh Anh (THPT Phạm Hồng Thái) cho biết, vì đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng bài thi tổ hợp nên em cũng như nhiều thí sinh khá hào hứng với sự thay đổi này. Nói về ưu điểm của hình thức thi mới, Quỳnh Anh cho rằng, thi trắc nghiệm sẽ giúp thí sinh giảm áp lực trong quá trình ôn luyện, đặc biệt là đối với các môn xã hội như Lịch sử và Địa lý. 

“Nếu như trước đây ôn thi, chúng em phải học thuộc toàn bộ chương trình sách giáo khoa, thì bây giờ chủ yếu học theo ý và chỉ cần nhớ những nội dung chính trong từng phần kiến thức. Bên cạnh đó, hình thức thi trắc nghiệm cũng giúp thí sinh không còn căng thẳng khi phải làm những bài thi tới 3,4 tờ giấy trong một thời gian dài như trước. Ngoài ra việc thi 3 môn trong 1 bài thi như vậy cũng sẽ giúp thí sinh tiết kiệm được thời gian so với cách thi từng môn như mọi năm”, thí sinh đánh giá.

Cùng quan điểm về hình thức thi mới, Nguyễn Bảo Châu (THPT Phan Đình Phùng) chia sẻ: “Em nghĩ đây là một cách thi phù hợp với trình độ cũng như lựa chọn của tất cả thí sinh. Cụ thể, nếu chỉ xét điểm tốt nghiệp thì 20 câu đầu là hoàn toàn vừa sức với thí sinh, còn nếu các bạn xét điểm vào Đại học thì sẽ phải làm tốt những câu hỏi có tính phân loại tiếp theo với độ khó tăng dần”. Nhận xét về 2 môn thi Lịch sử và Địa lý, Bảo Châu cho biết, cấu trúc đề tương tự với đề mẫu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong đó lượng kiến thức bám sát chương trình lớp 12 và có mở rộng thêm để phân loại trình độ thí sinh. Riêng với đề Địa lý, đa số câu hỏi mang tính thực tế cao, đòi hòi thí sinh không chỉ học trong sách mà còn phải thường xuyên cập nhật thông tin qua báo chí. Điều này sẽ giúp các thí sinh chủ động hơn trong quá trình ôn luyện.

Ghi nhận một số điểm thi khác tại Hà Nội, đa số thí sinh đều khẳng định, bài thi tổ hợp KHXH năm nay đã giảm bớt đáng kể áp lực cho thí sinh so với các năm trước. Với riêng môn Giáo dục công dân, nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng khi lần đầu tiên môn học được đưa vào một kỳ thi THPT quốc gia. Các thí sinh cho biết, đề thi gần gũi và áp dụng nhiều trong đời sống nên sẽ không khó để xét điểm tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình về hình thức thi tổ hợp, một số thí sinh cũng bày tỏ lo lắng khi một lúc phải làm bài thi ở 3 môn với những nội dung kiến thức khác nhau. Đàm Hà Anh (THPT Nguyễn Trãi) nhận xét: “Mặc dù chúng em không phải học thuộc lòng các môn xã hội như trước nhưng do đề trắc nghiệm "phủ" toàn bộ chương trình lớp 12 nên rất dễ bị rối trong quá trình ôn thi. Bên cạnh đó, việc thi 3 môn liền với thời gian gần như liên tục cũng khiến không ít thí sinh mệt mỏi”.

Còn theo Lưu Thùy Linh (THPT Phan Đình Phùng), lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo thử nghiệm hình thức thi mới nên không tránh khỏi sự bỡ ngỡ cho thí sinh trong quá trình ôn thi. “Nếu hình thức này tiếp tục được áp dụng cho các mùa thi sau, em nghĩ ngoài việc trang bị kiến thức cơ bản, thí sinh cần rèn luyện thêm kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Đặc biệt, với những câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phán đoán nhanh nhạy”, thí sinh chia sẻ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong buổi thi cuối cùng, có khá nhiều thí sinh đến điểm thi muộn, nguyên nhân là do quên Atlat để làm bài thi môn Địa lý. Tổng số thí sinh vắng trên toàn địa bàn thành phố là 216 thí sinh, trong đó có một thí sinh tại điểm thi THPT Kim Liên (TP Hà Nội) bị đình chỉ thi./. 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực