Làm rõ cơ sở tăng ngân sách cho lực lượng dự bị động viên

Thứ năm, 11/04/2019 18:50
(ĐCSVN) - Một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của các chính sách trong xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên và làm rõ cơ sở việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Chiều ngày 11/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên.

Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV), Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Việc xây dựng luật nhằm xây dựng LLDBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật LLDBĐV gồm 5 Chương, 47 Điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động LLDBĐV.

Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: AP.

Cần đánh giá tác động việc tăng thêm ngân sách

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật LLDBĐV như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ về nguồn lực cần có để đảm bảo thực hiện các quy định trong dự thảo. Đồng thời, kiến nghị tính toán kỹ và đánh giá tác động số tiền 545 tỷ đồng đến ngân sách Nhà nước.

Về thẩm quyền huy động LLDBĐV khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh, dự thảo Luật quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được huy động nhân lực không xếp trong các đơn vị dự bị động viên có tại địa phương để triển khai kế hoạch huy động LLDBĐV.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi, trong trường hợp phải phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cả chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện cùng quyết định huy động lực lượng này thì sao, cần nghiên cứu kỹ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên quy định cấp huyện, tránh trường hợp sử dụng không hợp lý, đảm bảo nguyên tắc tập trung.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát các quy định chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Khẳng định việc chế độ chính sách đối với LLDBĐV là cần thiết, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần làm rõ quy định về phụ cấp, chi ngân sách để đảm bảo tính khả thi, tương quan giữa các lực lượng khác. Đồng thời, chỉ rõ cơ sở, đánh giá tác động việc tăng thêm ngân sách 545 tỷ đồng để phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ đúng thẩm quyền./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực