Làm tốt công tác dân vận để củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng

Thứ hai, 22/07/2019 19:59
(ĐCSVN) – “Nếu có sự vận động tốt của cả hệ thống chính trị thì người dân mới đồng thuận, đồng thuận rồi người dân mới tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu,
Thường trực nhiều tỉnh, thành phía Nam
Đó là nhấn manh của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tại hội thảo khoa học với chuyên đề " Công tác dân vận của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế - Thực trạng và những vấn đề đặt ra" do Ban Dân vận Trung ương, Ban Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia tổ chức ngày 22/7 tại TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm đề tài; đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Thường trực đề tài chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, trưởng ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh phía Nam.

Công tác dân vận của Đảng phải thật sự đổi mới theo phương châm: sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Đề tài khẳng định: Tư tưởng “dân là gốc” là truyền thống đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam… Kể từ khi thành lập, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Gần 35 năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, công tác dân vận còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận còn chậm đổi mới, việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động của hệ thống dân vận, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội ở nhiều địa phương chậm được đổi mới.

Trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi thì chúng ta cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi công tác dân vận của Đảng phải thật sự đổi mới theo phương châm: sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Khơi dậy, kích hoạt niềm tin từ mỗi công dân

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng công tác dân vận của Đảng trên cơ sở thực tiễn từ địa phương đến Trung ương, chỉ ra nguyên nhân vì sao nhiều vấn đề hạn chế, bất cập đã được nhận diện, nhiều giải pháp đã được đề ra để đổi mới công tác dân vận nhưng đến nay, kết quả đạt được còn chưa như mong muốn.

Một nội dung cũng được các đại biểu thảo luận nhiều đó là đánh giá những tác động, yêu cầu của bối cảnh mới của đất nước, nhất là từ việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đối với công tác dân vận. Đồng thời đưa ra các phương hướng, giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh vai trò của công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế chính là góp phần giải quyết những bất cập xã hội phát sinh. Vì theo đồng chí, ở mỗi giai đoạn lịch sử thay đổi sẽ có một nhóm đối tượng được thụ hưởng, số đối tượng khá giả tăng lên thì bên cạnh đó cũng sẽ có người do năng lực, trình độ, nhận thức bị tuột lại phía sau. Do đó, nếu chúng ta không xử lý tốt thì không tạo ra tính hài hòa cho xã hội, sẽ tạo ra xung đột trong xã hội.

Bên cạnh vai trò làm giảm những xung đột trong xã hội, công tác dân vận cũng góp phần tạo dựng niềm tin trong xã hội. Từ niềm tin xã hội đó sẽ tạo ra nhóm xã hội. Niềm tin là nguồn vốn vô hình, và nó sẽ chuyển hóa thành vốn hữu hình tức là vốn kinh tế, nó sẽ đẩy vốn kinh tế lên hoặc sẽ kéo vốn kinh tế xuống nếu chúng ta không tạo được niềm tin. “Mình tưởng tượng, đất nước mình đang có 100 triệu người dân mà nếu chúng ta kích hoạt được niềm tin đó trong mỗi người dân thì nguồn lực sẽ rất lớn”, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo đồng chí Hoan, trong bối cảnh hiện nay đặt ra cho người làm công tác dân vận cần tự nâng cao trình độ, năng lực cho bản thân, cần thấy được trách nhiệm và niềm tự hào khi làm công tác này. “Chúng ta vẫn thường nói xuôi rằng, cán bộ cần tạo ra niềm tin cho nhân dân, cho xã hội. Tôi tự nghĩ, nói xuôi như vậy thì dễ nhưng giờ thử đặt ngược lại: cái gì mình làm để người dân mất niềm tin nhất? nếu mình trả lời được rằng, mình không làm người khác mất niềm tin thì có nghĩa là mình đã tạo được niềm tin”.

Đồng chí Lê Minh Hoan cũng chia sẻ những mô hình, cách làm hay hiện nay của Đồng Tháp như: mô hình “Tổ nhân dân tự quản”, mô hình “hội quán”, “hội gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”…Những mô hình này ra đời xuất phát từ sự đổi mới phương thức lãnh đạo trên cơ sở phát huy tiềm năng của tỉnh, khơi gợi nguồn lực trong dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Đẩy mạnh dân vận qua mạng xã hội

Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam chia sẻ: Bình Dương phát triển như ngày hôm nay phải khẳng định là nhờ vào công tác dân vận được triển khai hiệu quả. Công tác dân vận giúp cho người dân, doanh nghiệp coi Bình Dương là ngôi nhà chung, để họ đồng lòng, góp sức xây dựng và phát triển. Trong nhiều năm nay, Bình Dương luôn là đại công trường. Việc phát triển kinh tế, đi liền với đó là xây dựng, đền bù, giải tỏa, dễ phát sinh những mâu thuẫn. Bình Dương có 53,5% dân số là dân nhập cư; đây cũng là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số công nhân đang lao động trên địa bàn (1,2 triệu người), do đó, công tác an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề. Công tác dân vận ở Bình Dương trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ quan trọng. Theo đồng chí Trần Văn Nam chia sẻ, từng thành viên, từng tổ chức, đơn vị ở Bình Dương đều làm công tác dân vận và làm thường xuyên, liên tục.

Kiến nghị các giải pháp, đồng chí Nam cho rằng, cần phải đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình để công tác dân vận mạnh hơn, hiệu quả hơn. Cần nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, nhất là các cuộc đối thoại của người đứng đầu. Đặc biệt, cần phải luôn luôn đổi mới nội dung, hình thức để theo kịp thực tiễn. Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa trong công tác dân vận. Cách thức sử dụng mạng xã hội cũng cần phải được nghiên cứu và đẩy mạnh hơn nữa vì những mô hình từ thực tiễn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, sự kết nối giữa chính quyền, các cơ quan chức năng với người dân gần hơn, người dân cũng sẽ dễ dàng chia sẻ tâm tư, kiến nghị.

Cùng quan điểm về đẩy mạnh phương thức sử dụng mạng xã hội là kênh để gần gũi với người dân, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự tác động, sự chống phá của các thế lực thù địch bên ngoài qua mạng xã hội hiện nay là rất mạnh. Trong khi đó, chúng ta tiếp cận qua kênh này còn ít do đó chúng ta cũng cần phải suy nghĩ về vấn đề này.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn, đồng chí cũng cho rằng, sự kết hợp giữa dân vận và tôn giáo cực kỳ hiệu quả, hơn nữa điều này cũng góp phần làm cho mối quan hệ giữa tôn giáo với chúng ta có sự gắn bó, một việc làm được hai mục đích. Người làm công tác dân vận cần nói ít, ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng phải chân thành, giản dị, và thể hiện hiệu quả ở chính việc mình làm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, tại Hội thảo, mỗi đồng chí phát biểu một ý khác nhau nhưng phải giải quyết kinh tế thị trường là gì, kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì, hội nhập quốc tế là gì. Tất cả những nội dung đó đang tác động tới công tác dân vận, tình hình đời sống tâm tư, tình cảm của nhân dân như thế nào?

“Mình đang sinh sống ổn định, vì phát triển đô thị, phát triển kinh tế mà phải chuyển đi chỗ khác, như vậy có đau lòng không, có dễ dàng quyết định không? Phải nói rằng, sự hi sinh đó là quá lớn. Mình phải chia sẻ với người dân, vì quyết định đó rất khó khăn với họ. Do đó, Đảng và chính quyền phải quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng của một bộ phận người dân phải chuyển dịch cho quá trình phát triển; phải giải thích cho họ hiểu, để từ đó định được công tác dân vận như thế nào cho phù hợp? Thực tiễn đặt ra nhiều câu chuyện, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu”, đồng chí Mai chỉ rõ.

Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng: “Nếu có sự vận động tốt của cả hệ thống chính trị thì người dân mới đồng thuận, đồng thuận rồi người dân mới tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng”.

Chỉ ra những thách thức hiện nay từ tình hình trong nước cũng như những tác động từ bối cảnh quốc tế, đồng chí Trương Thị Mai  khẳng định công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, người làm công tác dân vận cần xác định đây là công việc được Đảng giao. Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, đồng chí đã cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của đại biểu đồng thời cho rằng, những tham luận, ý kiến tại hội thảo sẽ có nhiều đóng góp, kiến nghị thiết thực cho Tiểu ban Văn kiện, Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hơn lúc nào hết, công tác dân vận phải nắm vững bài học “tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”; phải thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Đảng ta lấy lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo, lấy sự ủng hộ của nhân dân làm chỗ dựa cho hành động; và lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả. Để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH thành công, Đảng phải tăng cường niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên CNXH, xây dựng ý chí và khát vọng phát triển của nhân dân; phát huy ý thức và trách nhiệm của nhân dân, và làm cho toàn dân cảm nhận được hưởng thụ và giàu có từ quá trình phát triển. 
(Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực