Luật An ninh mạng tạo cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp

Thứ sáu, 15/06/2018 18:43
(ĐCSVN) – Trước lo lắng Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định: “Luật này tạo ra cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5. (Ảnh: KT)

Chiều ngày 15/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi Họp báo.

 Luật An ninh mạng đã được Quốc hội lắng nghe và tiếp thu kỹ 

Tại Họp báo, nhiều cơ quan báo chí quan tâm tới việc Quốc hội quyết định điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật này.

Về vấn đề này, phóng viên đặt câu hỏi: Việc lấy ý kiến nhân dân về dự Luật có được tiến hành bài bản giống như những bộ luật lớn, quan trọng khác như: Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự… không, hay là vẫn tiếp thu trên cơ sở những ý kiến đóng góp như ở kỳ họp này?.

Trả lời câu hỏi, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, khi thảo luận tại hội trường, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự Luật này. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân, chuyên gia, các nhà khoa học cũng có nhiều ý kiến về dự Luật.

Ông Phúc cho hay, trước đó, UBTVQH đã tổ chức và cũng tham gia nhiều cuộc hội thảo, các hội nghị để xin ý kiến các nhà khoa học vào dự Luật. Mặt khác, chúng tôi cũng sang tìm hiểu đặc khu ở nước ngoài. Tuy nhiên, vì có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua dự Luật để tìm hiểu, nghiên cứu tiếp.

“Còn việc có đưa luật ra trao đổi lấy ý kiến nhân dân như Hiến pháp, Luật Đất đai không thì chưa đến quy mô này, trước mắt tiếp thu đầy đủ các ý kiến...” – ông Phúc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Luật An ninh mạng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng vẫn được Quốc hội thông qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Luật An ninh mạng đã được Quốc hội lắng nghe rất nhiều. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cũng tiếp thu rất kỹ nội dung này, nên đương nhiên đạt kết quả cao khi thông qua.

Trả lời thêm về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định: Trong quá trình thẩm tra, giúp UBTVQH chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh hết sức lắng nghe ý kiến cử tri, các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến đại diện một số quốc gia như: Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu và các hiệp hội internet, viễn thông châu Á – Thái Bình Dương… Chính vì vậy, nhiều vấn đề trong dự án Luật do Chính phủ trình sang đã được tiếp thu, chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng. Ông cũng nhấn mạnh thêm, sự kiện facebook sử dụng dữ liệu người dùng cung cấp doanh nghiệp can thiệp vào nội bộ một số quốc gia không chỉ là vấn đề Việt Nam mà của các nước trên thế giới, gây thách thức toàn cầu.

Trước lo lắng luật sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện này. “Luật này tạo ra cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước” – ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

Xung quanh thông tin liệu Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam hay không?, ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin: “Đến giờ này, hai tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chưa có phản hồi chính thức...”. 

Chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận        

Thông báo tóm tắt kết quả Kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh: Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 07 luật và 08 Nghị quyết. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…

Cụ thể, các đạo luật thông qua, gồm: Luật Đo đạc và bản đồ; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật Quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch.

Các Nghị quyết được thông qua, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; 02 Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 09 dự án luật gồm: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đáng chú ý, về chất vấn và trả lời chất vấn, theo ông Lê Bộ Lĩnh, việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát, Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.

Ông Lê Bộ Lĩnh khẳng định: Kỳ họp thứ 5 diễn ra với không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao. Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này (trong đó, có những dự án luật mới, khó như: Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng,…) đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp Nhân dân. Kết quả Kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp; sự trân trọng, lắng nghe, tham gia tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Đặc biệt, kết quả Kỳ họp cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi sát sao, kịp thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng vào các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực