Mở rộng đối tượng được bảo vệ để động viên người dân thực hiện quyền tố cáo

Thứ năm, 24/05/2018 18:24
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng hơn nữa về đối tượng được bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm động viên người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong việc phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố cáo hiện hành, đối tượng được bảo vệ tại khoản 1, Điều 48 của dự thảo Luật được quy định rõ, chặt chẽ hơn như sau: Người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), sáng 24/5, đại biểu (ĐB) Võ Đình Tín (Đắk Nông) đánh giá quy định của dự thảo luật về bảo vệ người tố cáo đã có một bước phát triển lớn so với các quy định trước đây, trong đó đã làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tạo niềm tin và sự bảo đảm để người tố cáo yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình, góp phần vào việc đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: quochoi.vn).

Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi của các quy định này, ĐB Võ Đình Tín đề nghị cần bổ sung quy định để xác định rõ thế nào là tính có căn cứ để yêu cầu bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

ĐB Tín phân tích: Khoản 3, Điều 48 dự thảo luật quy định khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử nơi công tác, nơi làm việc do việc tố cáo, giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Song, để hiểu như thế nào là có căn cứ, theo quy định trên đang còn là một vấn đề, vì quy định này chưa định lượng ở mức độ nào những biểu hiện nào, những hành vi nào thì được coi là có căn cứ?.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị, Quốc hội cân nhắc thêm ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc không nên thu hẹp hoặc giới hạn đối tượng bảo vệ, thậm chí mở rộng hơn đối tượng bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường bảo vệ người tố cáo, bởi lẽ mọi công dân đều có quyền được bảo vệ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp quy định.

“Chúng ta không sợ không đủ nhân lực và ngân sách để thực thi việc bảo vệ, do đó theo tôi, nếu việc thực thi Luật Tố cáo hiện hành về nội dung này không có vướng mắc, bất cập hoặc mâu thuẫn với các luật khác thì nên giữ nguyên nội dung này”, ĐB Thủy nói.

ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) chỉ ra: Trong dự thảo quy định bảo vệ người tố cáo song phạm vi bảo vệ chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung việc bảo vệ của người tố cáo là người thân rất quan trọng.

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào danh sách người được bảo vệ với một số trường hợp cụ thể, như người cung cấp thông tin, người nắm giữ các tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo.

Lý giải cho đề nghị này, ĐB Minh cho hay thực tế những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, vụ vi phạm có tổ chức, người giải quyết tố cáo, người trực tiếp xác minh và người cung cấp thông tin nắm giữ tài liệu quan trọng, người làm chứng cho nội dung tố cáo đã bị khủng bố, đe dọa tinh thần, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình họ trong khi họ đang thực hiện trách nhiệm chung với xã hội. Mặt khác, tuy luật đã có các quy định về bảo mật, bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần của người tố cáo và người thân thích với người tố cáo nhưng luật cũng chưa có cơ chế cụ thể quy định về kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có cơ chế cụ thể hơn trong luật để bảo vệ người tố cáo và người có liên quan.

Tranh luận với Ban soạn thảo, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ ra, chúng ta có một chương bảo vệ người tố cáo, trong lúc đó chúng ta không có một quy định nào về bảo vệ người xử lý tố cáo và người vạch trần tố cáo. Thực tế người tố cáo được giữ bí mật trong lúc đó người thực thi vấn đề xử lý tố cáo hoặc vạch trần tố cáo thì lại không được bí mật. Ví dụ: có trường hợp báo chí vạch trần người bị tố cáo thì bị kẻ bị tố cáo tấn công báo chí hoặc người bị tố cáo cho rằng bị vu khống và tố cáo…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực