Nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung vào cuối tháng 7/2019

Thứ hai, 08/07/2019 15:00
(ĐCSVN) - Dự báo từ nay đến tháng 8/2019 nắng nóng tiếp tục diễn ra và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 7/2019 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ những ngày qua, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

(Ảnh: Tống Minh)

 Phóng viên (PV): Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình diễn biến thời tiết có gì bất thường so với mọi năm, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Từ đầu năm tới giờ nền nhiệt ở hầu khắp các khu vực trên cả nước đều có xu hướng cao hơn trung bình từ 1-2 độ C, thậm chí trong tháng 4, nền nhiệt trung bình tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn cao hơn so với trung bình hàng năm từ 3,0 - 4,0 độ.

Xét về nắng nóng từ đầu năm tới giờ, số đợt nắng nóng trên cả nước phổ biến ở mức trung bình, như tại miền Trung tính đến nay đã xảy ra gần chục đợt nắng nóng, cường độ nắng nóng khá gay gắt.

Có thể thấy trong tháng 4, các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40 độ như: tại Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ, cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam; tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) là 43,0 độ. Trong tháng 5 thì phải kể đến đợt nắng nóng gay gắt từ 15-18/5 ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ; nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao từ 37 - 40 độ và hiện tại ở miền Trung cũng đang hứng chịu một đợt nắng nóng kéo dài suốt từ đầu tháng 6/2019 đến nay.

PV: Diễn biến thời tiết mùa hè năm nay có gì đặc biệt so với mọi năm? Nguyên nhân của những đợt nắng nóng gay gắt trong mùa hè năm nay?

 Ông Nguyễn Văn Hưởng: Năm nay chúng ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng Elnino yếu, một hiện tượng có quy mô toàn cầu và đang ảnh hưởng đến nước ta. Theo dự báo của chúng tôi thì khoảng thời gian trong 3 tháng tới (từ tháng 7-10/2019) trên phạm vi toàn quốc nền nhiệt phổ biến sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5 - 1,0 độ C. Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 11-12/2019 ở mức cao hơn so với TBNN từ 1,0-1,5 độ.

Về nguyên nhân chính của những đợt nóng gay gắt trong mùa hè năm nay vẫn là do thấp nóng phía Tây và hiệu ứng gió phơn mạnh. Tuy nhiên đó là nguyên nhân trực tiếp và mang tính quy mô thời tiết. Còn một nguyên nhân nữa có quy mô lớn hơn, đó là quy mô khí hậu chính là tác động của hiện tượng El Nino bắt đầu từ cuối năm 2018 đến nay. Cùng với đó là những tác động của sự nóng lên toàn cầu, hiệu ứng đô thị hóa đã làm cho nhiệt độ trong các đợt nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn.

PV: Ông có thể đưa ra sự so sánh và đánh giá cụ thể về mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng từ đầu mùa hè 2019 đến nay so với TBNN và những năm gần đây (về cường độ, nhiệt độ, phạm vi ảnh hưởng, thời gian kéo dài...)?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng từ đầu mùa hè đến nay thể hiện ở 2 khía cạnh là thời gian nắng nóng kéo dài và mức độ gay gắt của nắng nóng. Về thời gian, nắng nóng kéo dài năm nay không kém các năm trước là mấy. Còn về cường độ của các đợt nắng nóng năm nay có thể đánh giá là đặc biệt gay gắt, cụ thể tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4 nắng nóng đã làm cho nền nhiệt ở đây tăng cao tới 43,4 độ, cao nhất từ trước tới giờ. Tại Con Cuông (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.3 độ vượt lịch sử gần đây 42.2 độ (ngày 19/6/2010); Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 22/6 là 42.1 độ vượt lịch sử gần đây 41.2 độ (ngày 11/6/2015); Tuyên Hóa (Quảng Bình) ngày 22/6 là 41.6 độ vượt lịch sử gần đây 41.4 độ (ngày 01/6/2015); Đô Lương (Nghệ An) ngày 22/6 là 41.0 độ vượt lịch sử 39.9 độ (ngày 20/6/1983); đặc biệt tại Quỳ Hợp (Nghệ An) ngày 22/6 là 43.0 độ vượt lịch sử gần đây 42.0 độ (ngày 19/6/2010) và cũng là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước tới giờ ở Quỳ Hợp.

PV: Những tháng tới, diễn biến thời tiết ra sao, có khả năng xảy ra những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt như thời gian vừa qua nữa không thưa ông? Các vùng, khu vực nào có khả năng xảy ra nắng nóng trong các tháng tới đây?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trong những tháng tới, Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung vẫn còn có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhưng thời gian nắng nóng sẽ không kéo dài như đợt nóng đang diễn ra ở miền Trung. 

Dự báo từ nay đến tháng 8/2019 còn xảy ra nắng nóng và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 7/2019 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; trong đó khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.

PV: Nắng nóng diễn ra gay gắt về cả mức độ và thời gian, ông có thể đưa ra cảnh báo, nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các vùng, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nắng nóng với cường độ bức xạ mạnh, nhiệt độ tăng cao và độ ẩm không khí giảm thấp khiến cho độ bốc hơi tăng mạnh, nguồn nước bề mặt và cả nước ngầm đều suy giảm (thậm chí có nơi cạn kiệt). Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu nước ở các hồ chứa, hạn hán và nguy cơ rất cao gây cháy rừng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực miền Trung do ít mưa và nắng nóng đã xảy ra nhiều ngày. Nơi bị tác động nghiêm trọng nhất của nắng nóng là các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là khu vực vùng núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế do nhiệt độ tăng rất cao, đạt mức trên 40 độ, có nơi 42 đến trên 43 độ (ở ngưỡng nắng nóng đặc biệt gay gắt).

PV: Mùa mưa bão ở các tỉnh phía Bắc năm nay đến muộn so với mọi năm. Xin ông cho biết về tình hình và những cảnh báo về mùa mưa bão năm nay (thời gian, số lượng, vùng ảnh hưởng, cấp độ, nguy cơ lũ lụt, mưa trái mùa, dông lốc....)?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Mùa bão ở nước ta thường bắt đầu vào tháng 6, tuy nhiên năm nay đến hết tháng 6 rồi nhưng vẫn chưa có bão hoặc áp thấp nhiệt (ATNĐ) đới xuất hiện trên biển Đông. Như vậy, mùa bão năm nay thực sự đã đến muộn so với trung bình hàng năm như chúng tôi đã dự báo từ đầu năm 2019.

Dự báo số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với TBNN. Cụ thể, năm 2019 có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ tháng 7 đến tháng 8/2019, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Sau đó, bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông dự báo thấp hơn so với TBNN nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quĩ đạo phức tạp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực