Người dân không nên quay lưng với sản phẩm thịt lợn ​

Thứ bảy, 09/03/2019 23:16
(ĐCSVN) – Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, nếu làm tốt công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn thì sẽ ngăn chặn tình trạng dịch lây lan thêm. Điều quan trọng là người dân không nên quay lưng lại một cách tiêu cực với thịt lợn.

 

Tại một số chợ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, và Yên Định (Thanh Hóa) hoạt động mua bán sản phẩm thịt lợn vẫn diễn ra bình thường.(Chụp chiều 8/3 tại chợ Vạn, thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Mặc dù Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên công bố dịch tả lợn châu Phi, từ khi công bố đến nay đã được 2 tuần, nhưng chiều ngày 8/3, đảo qua một số chợ đầu mối tại huyện Yên Định, huyện Thiệu Hóa và TP. Thanh Hóa, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thấy hoạt động mua bán thực phẩm thịt lợn vẫn diễn ra bình thường, đó là số lợn đã qua kiểm dịch đảm bảo an toàn.

Tại các chợ, một số tiểu thương đề xuất, cấp trên cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng để người dân hiểu được bản chất của dịch, bởi hiện nay có một bộ phận người tiêu dùng hiểu chưa hết về dịch nên quay lưng với cả thực phẩm lợn an toàn gây khó khăn đầu ra cho người chăn nuôi, vì thế hoạt động giao thương loại thực phẩm lợn thịt bị chững lại, những ngày gần số lượng người tiêu dùng mua thịt lợn giảm còn khoảng ¼ so với ngày thường.

Tại một số địa phương của tỉnh Hòa Bình, nhất là huyện Lương Sơn – địa phương tiếp giáp vùng ven của thành phố Hà Nội, ngoại trừ thôn Cáp là nơi bùng phát ổ dịch, thì ở những vùng khác được xác định là vùng an toàn, việc chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thịt lợn vẫn diễn ra bình thường dưới sự kiểm soát gắt gao của cán bộ thú y.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, không nên tẩy chay sản phẩm thịt lợn.

Ông Trần Đắc Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Một đặc điểm nữa là virus trong bệnh tả lợn này chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt hoàn toàn dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Tuy bệnh không gây bệnh cho các loài động vật khác, nhưng ở lợn bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Những nhận định trên hẳn là cơ sở quan trọng, giúp bình ổn thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho người dân, không quay lưng đối với các sản phẩm từ thịt lợn.

Tuy nhiên, để bảo đảm ngăn chặn không để dịch tả lợn châu Phi bùng phát thêm thì công tác kiểm soát chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và thịt lợn cần phải được thực hiện nghiêm.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, với vị trí địa lý nằm trên trục đường giao thông Bắc – Nam, lại là một tỉnh có diện tích rộng, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành khác, nên Thanh Hóa quyết tâm thực hiện nghiêm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn qua địa bàn.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cụ Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ một cá nhân hoặc chốt kiểm dịch động vật nào bỏ sót không khử trùng tiêu độc, không kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Qua tiếp xúc với rất nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và một số trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy, nếu các ngành chức năng thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động thông báo khi đàn lợn có dấu hiệu ốm yếu, bỏ ăn, chết bất thường; đồng thời hợp tác chặt chẽ với lực lượng chức năng tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh, cũng như gia súc, gia cầm nuôi nhốt, tiếp xúc trực tiếp với lợn bị mắc bệnh; hạn chế tối đa người lạ ra vào vùng chăn nuôi thì sẽ ngăn chặn được đáng kể tình trạng lây lan dịch bệnh. Điều quan trọng hơn là vận động, tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ, với số lượng lợn đã bị tiêu hủy sẽ được kiểm đếm, lập hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ và sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định; đồng thời mọi chi phí về tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng sẽ cũng sẽ được Nhà nước bảo đảm. Chỉ khi người chăn nuôi hiểu rõ được như vậy thì họ mới không dấu dịch, không bán tháo lợn mắc bệnh và không vứt lợn chết bừa bãi.

Hiện nay, mức hỗ trợ 38.000 đồng cho một kg thịt lợn mắc bệnh phải tiêu hủy cũng đã cơ bản giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Nhưng nếu mức quy định này linh hoạt hơn, ví dụ bằng 70 - 80% so với giá thị trường tại thời điểm bùng phát dịch thay vì quy định cứng 38.000 đồng, thì sẽ tạo thêm tâm lý yên tâm, tin tưởng hơn đối với người chăn nuôi…/.

Trần Quỳnh - Thương Huyền - Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực