Người đứng đầu đơn vị phải giữ được người có tài năng đặc biệt

Thứ tư, 07/08/2019 09:26
(ĐCSVN) - TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định, quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP có nhu cầu giai đoạn 2019 - 2022. Giám đốc Sở nội vụ TP Trương Văn Lắm đã trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam những nội dung xung quanh đề án này.

Giám đốc Sở nội vụ TP. Hồ Chí Minh  Trương Văn Lắm. (Ảnh: Đình Quân)

Phóng viên (PV): Thưa ông, TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định 17/2019/QĐ- UBND Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022. So với Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND, thì quyết định này có những điểm mới gì?

Giám đốc Sở nội vụ TP Trương Văn Lắm: So với Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND thì Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND có một số điểm mới như: Về đối tượng áp dụng: Quy định mới bổ sung đối tượng thu hút là người có tài năng đặc biệt và đề ra khái niệm về người có tài năng đặc biệt.

Về chế độ, chính sách thu hút và đãi ngộ: Chế độ, chính sách cho chuyên gia, nhà khoa học được giữ nguyên như Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND và bổ sung chế độ, chính sách cho người có tài năng đặc biệt, cụ thể: Người có tài năng đặc biệt cũng được hưởng trợ cấp ban đầu là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) như chuyên gia, nhà khoa học. Về sinh hoạt phí hàng tháng: Người có tài năng đặc biệt được hưởng mức trợ cấp hàng tháng từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng do các hội đồng thu hút, tuyển chọn đề xuất UBND TP xem xét, quyết định.

Về chính sách khuyến khích, phát huy năng lực (đầu ra): Người có tài năng đặc biệt được thu hút để thực hiện công trình, đề án, đề tài khoa học, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao (gọi tắt là “công trình”) thì được hưởng mức khuyến khích tỉ lệ 1% giá trị/kinh phí ngân sách chi cho công trình đó (giống như chuyên gia, nhà khoa học). Riêng trường hợp người có tài năng đặc biệt được thu hút vào các vị trí còn lại (không yêu cầu có “công trình”, sản phẩm đầu ra) thì được thưởng theo công trạng, thành tích với mức tối đa 1.000.000.000 đồng/người).

Về chính sách hỗ trợ nhà ở: Chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đều được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tối đa 7.000.000 đồng/tháng.

Ngoài các chính sách nêu trên, người có tài năng đặc biệt còn được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhằm duy trì và phát huy năng lực, trí tuệ lâu dài. Đây là chính sách mới, rất đặc thù, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tinh thần trọng dụng nhân tài, phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.

Bên cạnh đó, để phù hợp với đặc thù từng nhóm ngành, lĩnh vực thu hút, UBND TP thành lập 02 hội đồng thu hút, tuyển chọn: Đối với thu hút tài năng đặc biệt thuộc nhóm lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao: giao Hội đồng thu hút, tuyển chọn tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của TP tham mưu thực hiện. Đối với thu hút chuyên gia, nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực và thu hút tài năng đặc biệt trên các lĩnh vực còn lại: Giao Hội đồng khoa học tư vấn thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP tham mưu thực hiện. Đồng thời, TP không thành lập Tổ tư vấn như Quy định trước đây (Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND) để rút ngắn quy trình thu hút.

PV: Trong các dự thảo lần trước, Sở Nội vụ đã đề xuất một số vấn đề mới, đáng chú ý là việc bổ sung, mở rộng tiêu chuẩn cho “người nước ngoài”. Vậy tại sao đối tượng này không được áp dụng trong quyết định này? 

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm: TP thu hút cả các đối tượng chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài. Riêng người có tài năng đặc biệt thì có giới hạn là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong các dự thảo trước đây, Sở Nội vụ đã từng đề xuất UBND TP thu hút người có tài năng đặc biệt là người nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi rà soát, cân nhắc lại, Sở Nội vụ đã đề xuất TP chấp thuận ưu tiên thu hút người có tài năng đặc biệt là công dân Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn thực hiện thí điểm. Trước hết, đây là những đối tượng có tinh thần dân tộc và nguồn cội Việt Nam, có mối liên hệ, tình cảm gắn bó với quê hương, Tổ quốc. Họ cũng là những người có khát vọng cống hiến, đóng góp trí tuệ xây dựng TP và đất nước ngày càng phát triển. Đồng thời, người có tài năng đặc biệt sau khi thu hút còn được hưởng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực lâu dài nên trong giai đoạn thí điểm cần cân nhắc, chọn lọc đối tượng ưu tiên.

Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng là người nước ngoài có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chính sách. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thực sự cần thiết và điều kiện thực tiễn cho phép, Sở Nội vụ sẽ đề xuất UBND TP báo cáo HĐND TP chấp thuận mở rộng đối tượng tham gia là người nước ngoài.

Người có tài năng đặc biệt được hưởng mức trợ cấp hàng tháng từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(Ảnh minh họa)

PV: Thực hiện đề án này, Sở Nội vụ có tìm hiểu thông tin từ các nước không? Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm? 

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm: Trong quá trình xây dựng đề án trình HĐND TP, Sở Nội vụ đã tham khảo nhiều thông tin về xây dựng chính sách thu hút nhân tài của các nước trên thế giới, như: Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc,… Những vấn đề Sở tập trung tìm hiểu là khái niệm về nhân tài; tiêu chí lựa chọn nhân tài; quy trình thu hút, tuyển chọn nhân tài và nhất là chế độ đãi ngộ về tài chính, chính sách giữ chân và phát huy nhân tài. Theo đó, nhìn chung các nước đều đưa ra khái niệm chung về nhân tài là những người có năng lực đặc biệt, năng khiếu hoặc khả năng xuất sắc, có trình độ và kỹ năng lao động, sáng tạo cao, có nhiều thành tích đóng góp cho ngành, lĩnh vực và toàn xã hội.

Cơ chế thu hút nhân tài đều có đặc điểm chung là thông qua đánh giá, tuyển chọn cạnh tranh công bằng, minh bạch, không phân biệt thành phần, nguồn gốc xuất thân, giới tính, văn hóa… Chính sách đãi ngộ nhân tài luôn gắn liền với mức tiền lương, tiền thưởng rất cao, hấp dẫn và hỗ trợ về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống gia đình. Đồng thời, các nước cũng có nhiều chính sách nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị hiện đại để giúp cho người tài có được môi trường, điều kiện tốt nhất để tập trung trí tuệ, phát huy hết năng lực sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên, việc học hỏi, áp dụng các mô hình nêu trên cũng phải tính toán đến điều kiện và khả năng của Việt Nam và vai trò, vị thế của TP (là thành phố trực thuộc Trung ương - đơn vị hành chính cấp tỉnh) để chính sách khi ban hành có tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn. 

PV: Ông có thể nói rõ những ưu đãi mà đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài khác nhau như thế nào?

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm: Không có sự phân biệt đối tượng là công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tất cả các cá nhân đáp ứng đủ tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể theo yêu cầu của từng vị trí cần thu hút đều có quyền nộp hồ sơ tham gia.

Về chính sách đãi ngộ cũng không có bất kỳ sự khác nhau nào giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chính sách đãi ngộ được xây dựng trên cơ sở điều kiện, khả năng của ngân sách TP và hiệu quả, chất lượng đầu ra của công trình khoa học, sản phẩm trí tuệ, thành tích chuyên môn của chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Tất cả các trường hợp được thu hút đều được hưởng chính sách ưu đãi thống nhất như quy định đã đề ra.

PV: Ở Việt Nam, nhất là TP.Hồ Chí Minh cũng đã trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của họ cho sự phát triển của đất nước nói chung và của TP nói riêng? 

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm: Khi có Quy định hiện nay, TP cũng đã triển khai thí điểm chính sách thu hút chuyên gia khoa học vào làm việc với chính sách ưu đãi về tiền lương lên đến 150.000.000 đồng/tháng để thực hiện các chương trình, đề tài khoa học trọng điểm và đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nghiên cứu viên tiếp cận chuẩn quốc tế. TP đã thu hút 17 chuyên gia, trong đó có 08 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay còn 03 chuyên gia đang tiếp tục công tác.

Các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy tốt năng lực, đóng góp nhiều công trình, đề tài khoa học có chất lượng; trực tiếp nghiên cứu và hỗ trợ thực hiện gần 60 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Các công trình nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực có liên quan; một số kết quả được sử dụng làm cơ sở để định hướng phát triển các nhóm, lĩnh vực khác (công nghệ vật liệu nano sử dụng trong ngành công nghệ sinh học, y học, nông nghiệp và môi trường…). Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đồng thời tham gia vận động thành lập các trung tâm hợp tác nghiên cứu quốc tế; tổ chức các hội nghị khoa học, tạo cầu nối trao đổi, chia sẻ kiến thức học thuật giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách thu hút chưa tương xứng với kỳ vọng của TP về tạo bước đột phá trong phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, chưa tạo được sự thay đổi mạnh mẽ, nâng cao uy tín, năng lực và hình ảnh của các đơn vị thí điểm nói riêng và của TP nói chung đối với lực lượng chuyên gia khoa học trong và ngoài nước. Do đó, TP cần xây dựng chính sách thu hút mới phù hợp, hiệu quả hơn.

Trong thời gian sắp tới, bộ máy nhà nước và khu vực công của TP chắc chắn sẽ có sự chuyển biến, cải thiện về môi trường làm việc. (Ảnh minh họa)

PV: Các nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài luôn có thể “xách ba lô lên và đi” khi họ tìm thấy các cơ hội việc làm khác ở những nơi tốt hơn. Thách thức ở đây là giữ người tài. Sở Nội vụ nghĩ sao về vấn đề này?

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm: Quá trình xây dựng quy định, Sở Nội vụ đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, phản biện về cơ chế thu hút, giữ chân và phát huy nhân tài, đặc biệt là băn khoăn về môi trường làm việc khu vực công hiện nay. Do đó, để đảm bảo chính sách được thực thi có hiệu quả, Sở Nội vụ cũng đã bổ sung nhiều nội dung, điều khoản cụ thể hóa vấn đề xây dựng môi trường làm việc cho người được thu hút. Theo đó, bên cạnh chính sách đãi ngộ hợp lý, Quy định có nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở cho chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được cống hiến, phát huy năng lực, trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cơ quan, đơn vị cũng phải tích cực, chủ động trong trang bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho người được thu hút tiếp cận, sử dụng trang thiết bị hiện đại, khai thác thông tin phục vụ yêu cầu công tác chuyên môn. Đồng thời, TP sẽ xây dựng không gian kết nối, tổ chức giao lưu, đối thoại định kỳ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và có chính sách tôn vinh, khen thưởng xứng đáng, kịp thời nhằm khuyến khích đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt tiếp tục nỗ lực cống hiến. Trong thời gian sắp tới, bộ máy nhà nước và khu vực công của TP chắc chắn sẽ có sự chuyển biến, cải thiện về môi trường làm việc, nhất là tại các cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao.

PV: Chính sách đãi ngộ thấp e rằng khó thu hút được người có tài năng đặc biệt? Khi đã có những chế độ để thu hút người tài, chúng ta phải làm gì để hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài cống hiến nhưng phải bảo vệ được các giá trị của văn hóa Việt Nam?

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm: Chính sách đãi ngộ đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP đã được nghiên cứu, ban hành trên cơ sở thực tiễn và khả năng của TP. Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia có chính sách thu hút nhân tài với chế độ đãi ngộ cao hơn, hấp dẫn hơn do nền tảng, điều kiện kinh tế - xã hội của họ cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, so với các tỉnh thành khác và điều kiện hiện nay, chính sách thu hút của TP đã cơ bản đảm bảo sức hấp dẫn, thu hút được nhân sĩ, trí thức có trình độ cao, nhân tài trong và ngoài nước quan tâm, tham gia. Trong quá trình triển khai thực hiện, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn của TP.

Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND có quy định rõ trách nhiệm của người được thu hút phải chấp hành các quy định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết và được đánh giá năng lực định kỳ trên cơ sở hiệu quả công việc đầu ra. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm theo dõi, tạo môi trường, điều kiện làm việc, đồng thời cũng là người đánh giá về thái độ, tinh thần và hiệu quả lao động của người được thu hút. Do đó, người sử dụng chuyên gia, nhà khoa học và tài năng đặc biệt phải thường xuyên theo dõi, định hướng, uốn nắn và can thiệp kịp thời khi có những dấu hiệu sai lệch, xa rời tôn chỉ, bản sắc dân tộc, nhất là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao. Đồng thời, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cũng là một trong những hoạt động quan trọng, không chỉ nâng cao năng lực, chuyên môn mà còn bồi dưỡng, phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc, phấn đấu vươn lên cho người có tài năng đặc biệt./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực