Nhật Bản tin tưởng tiềm năng hợp tác phát triển tại các địa phương Việt Nam

Thứ bảy, 09/11/2019 17:37
Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ngày 8/11 đã tổ chức chương trình đối thoại hợp tác kinh tế giữa các địa phương của Việt Nam với các cơ quan liên quan và doanh nghiệp Nhật Bản tại thủ đô Tokyo.

Tham gia chương trình có Tổng thư ký Ủy ban Hợp tác Mekong - Nhật Bản, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Phòng thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kazuto Sasaki (Ca-dư-tô Xa-xa-ki), đại diện các tỉnh Bạc Liêu, Kon Tum, Yên Bái của Việt Nam, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một số doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Khoảnh khắc gặp gỡ đại diện hai phía doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại buổi đối thoại, Tổng thư ký Ủy ban Hợp tác Mekong - Nhật Bản Kazuto Sasaki cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm thị trường Việt Nam. Trong những năm qua, Ủy ban hợp tác Nhật Bản - Mekong, cũng như phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã tổ chức nhiều đoàn công tác, nhiều buổi hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư Việt Nam. Ông Sasaki đã bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng hợp tác, phát triển của các địa phương Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoàng Long khẳng định hợp tác địa phương giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trở thành chủ cột trong hợp tác chiến lược Việt - Nhật thời gian gần đây. Trong đó, lĩnh vực hợp tác chủ yếu là kinh tế, gồm thương mại, đầu tư, nông nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực.

Tại buổi đối thoại, các tỉnh Bạc Liêu, Kon Tum, Yên Bái đại diện cho các khu vực chiến lược là Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc đã giới thiệu các thế mạnh của địa phương, đồng thời bày tỏ mong muốn thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết 3 lĩnh vực ưu tiên của tỉnh thu hút đầu tư là nông nghiệp gồm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; du lịch và nguồn nhân lực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh có thế mạnh về nuôi và xuất khẩu tôm, cá ba sa. Hiện, tỉnh đang đứng thứ hai về sản lượng tôm trong nước, góp phần quan trọng vào vị trí xuất khẩu tôm đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh những điều kiện phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của tỉnh. Kon Tum có quỹ đất nông nghiệp và rừng lớn, thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cũng được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu để phát triển du lịch với khu vực sinh thái quốc gia Măng Đen rộng 136.000 ha. Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về năng lượng sạch như điện Mặt Trời, điện gió.

Đối với tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng khẳng định thế mạnh về vị trí địa lý với khoảng cách không quá xa sân bay và cảng biển quốc tế là Nội Bài, Hải Phòng. Tỉnh có diện tích rộng, có phong cảnh thiên nhiên đẹp, nguồn lao động dồi dào, đặc biệt hơn 60% đã qua đào tạo. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng đa dạng, đặc biệt hiện đã có hai doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh và được đánh giá rất thành công.

Chương trình đối thoại hợp tác kinh tế giữa các địa phương của Việt Nam với các cơ quan liên quan và doanh nghiệp Nhật Bản nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với các địa phương của Việt Nam do Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Đây là chương trình thiết thực, có ý nghĩa nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển tại 3 khu vực chiến lược trọng điểm của Việt Nam là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ./.

 

 

Thành Hữu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực