Nhiều lãnh đạo sở ở Hà Nội bị kiểm điểm

Thứ năm, 14/11/2019 21:43
(ĐCSVN)- Công bố quyết định kỷ luật của Ban Bí thư với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; Nhiều Sở Hà Nội bị kiểm điểm sau thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn; Kinh tế Trung Quốc trong quý III/2019 đạt mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ… là những tin “nóng” trong ngày hôm nay 14/11.

Công bố quyết định kỷ luật của Ban Bí thư với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa

Ngày 14/11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đồng chí Nguyễn Thế Toàn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố các quyết định kỷ luật của Ban Bí thư đối với tập thể và các cá nhân lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Ban Bí thư đã quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí: Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên.

Theo Quyết định của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng. Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hoà.

Ban Bí thư cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí: Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016; Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016; Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.

Đồng chí Lê Đức Vinh bị kỷ luật vì cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa trong 2 nhiệm kỳ và những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng, của UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng bị kỷ luật vì cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà nhiệm kỳ 2010 - 2015; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đồng chí Lê Đức Vinh và đồng chí Nguyễn Chiến Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, của UBND tỉnh Khánh Hoà về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

Đồng chí Đào Công Thiên cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2016 - 2021; đã trực tiếp ký các văn bản về đất đai và đầu tư xây dựng các dự án vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều Sở bị kiểm điểm sau thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn

Trong kết luận thanh tra thành phố Hà Nội công bố tháng 3/2019, có hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Huyện Sóc Sơn đã tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trên đất rừng. (Ảnh: Võ Hải).

Trả lời cử tri về việc xử lý những cá nhân, đơn vị, Sở ngành liên quan đến những vi phạm này, UBND TP Hà Nội cho biết, nhiều nội dung xử lý sau thanh tra đã  được thực hiện.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã kiểm điểm trách nhiệm của Sở và trách nhiệm của Giám đốc Chu Phú Mỹ, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Đại và "nhất trí không thi hành kỷ luật" với hai ông. Tuy nhiên, sau hai lần kiểm điểm, Sở đã đề xuất thành phố quyết định cảnh cáo Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và 5 vị trí là Phó Giám đốc Sở phụ trách, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý đất đai, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Bên cạnh đó, Sở đã cảnh cáo Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đại chi nhánh huyện Sóc Sơn Vũ Thị Bích Thủy. Bốn cá nhân thuộc đơn vị này được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Đối với Sở Xây dựng, đơn vị này đã chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm về chính quyền và về Đảng đối với tập thể Thanh tra Sở, chi bộ Thanh tra Sở với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình 7 cá nhân (một Phó Chánh Thanh tra Sở, 6 Trưởng phòng, Phó phòng, công chức phòng Kế hoạch tổng hợp).

UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập Hội đồng kỷ luật để tiến hành xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật đối với 39 cán bộ, công chức có vi phạm.

Kết quả kiểm điểm về chính quyền: 29 trường hợp khiển trách; Cảnh cáo 7 trường hợp; Cách chức 1 trường hợp thuộc diện Ban thường vụ Huyện ủy quản lý và buộc thôi việc 2 công chức, lao động hợp đồng.

Đã xem xét trách nhiệm đối với 82 đảng viên. Trong đó có hình thức kỷ luật 38 người (cách hết các chức vụ trong Đảng 3 cán bộ; cảnh cáo 9 cán bộ; khiển trách 26 cán bộ), còn 44 trường hợp kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Tập thể lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ (2006-2011; 2011-2016, 2016-2021) và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện của 3 nhiệm kỳ trên. UBND TP Hà Nội đã quyết định khiển trách Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn….

Kinh tế Trung Quốc trong quý III/2019 đạt mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ

Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS)  ngày 14/11 công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Hoạt động vận chuyển tại khu cảng container ở Thái Thương, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 30/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo đó, trong tháng 10 vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng trước. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998.

Một quan chức NBS cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một "tình hình kinh tế quốc tế phức tạp" gây sức ép giảm sút đối với kinh tế trong nước. Trong khi đó, nhà phân tích Martin Lynge Rasmussen (Mắc-tin Lin-gơ Rát-mu-xen) thuộc hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cảnh báo dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không chỉ suy yếu trong tháng vừa qua, mà tình trạng suy yếu sẽ còn được phản ánh trong thời gian tới. Theo đó, ông dự kiến Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6% - mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ. Dư luận hy vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm ký kết giai đoạn 1 thỏa thuận thương mại, qua đó chấm dứt các biện pháp tăng thuế trả đũa lẫn nhau và thúc đẩy trao đổi thương mại, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này./.

Nam Khánh (tổng hơp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực