Phát huy vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ năm, 26/04/2018 16:53
(ĐCSVN)​ - Đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tham gia tổ chức công đoàn, do đó công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như gặp nhiều trở ngại trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động làm việc ở nước ngoài.​

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn hiệu quả của hoạt động công đoàn trong trợ giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định, ngoài giá trị mang lại cho bản thân và gia đình, lao động di cư còn đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động cũng như quốc gia gửi lao động di cư.

 Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Từ năm 2014 đến 2017, Việt Nam luôn duy trì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở con số trên 100.000 lao động/năm. Riêng năm 2017, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 137.751 lao động (lao động nữ chiếm 39,6%) vượt chỉ tiêu đề ra 28,3%. Ước tính, mỗi năm, người lao động Việt Nam thực tập và làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình trên 2 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân còn gặp nhiều rủi ro do thiếu thông tin, qua nhiều khâu trung gian, phải trả chi phí cao; không ít người bị lừa gạt đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, bị chủ sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi mà không được bảo vệ, bị về nước trước hạn và lâm vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả...

Chính vì vậy, theo ông Mai Đức Chính, việc bảo vệ, giúp đỡ người lao động ra nước ngoài làm việc nhằm đảm bảo di cư lao động an toàn là rất cần thiết. Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ người lao động, nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn; hợp tác với công đoàn các nước như Hàn Quốc, Malaysia… để cùng phối hợp bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam tại các nước sở tại.

Tại Hội thảo, đại diện các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ đã chia sẻ tác động của tổ chức công đoàn trong việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động làm việc ở nước ngoài trở về hội nhập với thị trường lao động Việt Nam.

Công đoàn các cấp cũng chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại địa phương trong việc tham gia tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn giúp đỡ người lao động trước và sau khi đi làm việc ở nước ngoài.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cán bộ công đoàn các cấp đã được nâng cao hiểu biết về việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…

Theo các đại biểu, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tham gia tổ chức công đoàn, do đó công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đây cũng là nguyên nhân khiến công đoàn gặp nhiều trở ngại trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động làm việc ở nước ngoài.

Để hỗ trợ người lao động trở về và tái hóa nhập với thị trường lao động trong nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Châu Á... hỗ trợ các hoạt động của công đoàn, nhất là trong quá trình đối thoại và triển khai các biên bản ghi nhớ với các nước; hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật các hoạt động khác trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam mong muốn Quốc hội sớm sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó bổ sung quy định về vai trò tham gia trực tiếp của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực