Phát triển kinh tế phải đi kèm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa

Thứ sáu, 21/09/2018 17:36
"Lo kinh tế là cần thiết và quan trọng nhưng không lo xây dựng văn hoá thì xã hội sẽ không còn ý nghĩa. Kinh tế phải đi kèm với sự gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá " - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2000-2018 được tổ chức ngày 21/9, tại Hà Nội.

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và 15.000 đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bên trái)
và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện
(bên phải) chủ trì Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN.


Nét văn hoá truyền thống của dân tộc    

Biểu dương sự nỗ lực và những thành tích đạt được của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá là một chủ trương lớn, giải pháp quan trọng về xây dựng văn hoá Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, đời sống văn hoá phong phú, tinh thần đoàn kết và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Thủ tướng đánh giá, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng gia đình, từng dòng tộc ..., 18 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá " đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hoá lớn và nhận được sự ủng hộ đông đảo của các tầng lớp nhân dân. “Đây là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc”, Thủ tướng nói và nhận xét phong trào đã phát triển mạnh mẽ, có tác dụng tích cực, đặc biệt là việc xây dựng gia đình văn hoá với những truyền thống tốt đẹp "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Theo Thủ tướng, đây là yếu tố quan trọng để giáo dục truyền thống gia đình, dòng tộc, góp phần duy trì các "tế bào" của xã hội lành mạnh, văn minh.

Bên cạnh đó, phong trào đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, các truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông được phát huy, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" được đề cao, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng về cội nguồn, "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" được phát triển sâu rộng, phong phú, sinh động. Đặc biệt, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, thương yêu giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau trong từng thôn xóm, bản làng, khu phố... Đây là nét văn hoá, truyền thống đáng quý của dân tộc", Thủ tướng nhấn mạnh.    

Thủ tướng cũng nhìn nhận, phong trào này đã lan toả, trở thành động lực với tinh thần tự nguyện đóng góp sức người, sức của trong xây dựng quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới. Nhiều tấm gương tốt, người tốt, việc tốt được tôn vinh, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hoá được nhân rộng.

"Qua thực hiện phong trào, chúng ta có 1.200.000 gương người tốt việc tốt. Khi có một em bé, một phụ nữ khi gặp tai nạn giao thông nhiều người xắn tay áo giúp đỡ, lấy phương tiện chở đến bệnh viện". Thủ tướng nêu ví dụ.  

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng vì qua phong trào, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở tâm huyết, trách nhiệm để đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hoá đi vào thực tiễn. Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao những cá nhân, nghệ sỹ , trưởng tộc , nhiều gia đình, trưởng thôn, trưởng bản...có nhiều đóng góp cho phong trào.  

Huy động sức mạnh tổng hợp

Tuy nhiên đề cập đến những bất cập, yếu kém trong thực hiện phong trào, Thủ tướng chỉ rõ một số cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phong trào, chưa sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo những công việc triển khai, thực hiện phong trào. Ở một số nơi việc thực hiện phong trào còn mang tính hình thức, nặng về số lượng, nhẹ về chất lượng. Đặc biệt là trong nhận thức còn cho rằng việc thực hiện phong trào này là của riêng mình, riêng ngành văn hoá chứ không phải của các cấp, của cộng đồng, của toàn dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan trưng bày
ảnh tại hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN.

Công tác phối hợp trong triển khai, thực hiện phong trào thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo có một số nơi chưa cao, chưa toàn diện. Năng lực tổ chức công việc của nhiều cán bộ phong trào cũng hạn chế; việc dành nguồn lực cho hoạt động của phong trào tại các cấp gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đi liền với đó là chất lượng hoạt động văn hoá chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng miền, kết quả đạt được chưa bền vững.

"Lo kinh tế là cần thiết và quan trọng nhưng không lo xây dựng văn hoá thì xã hội sẽ không còn ý nghĩa. Kinh tế phải đi kèm với sự gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá ". Thủ tướng nêu rõ.   

Để thực hiện tốt hơn nữa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", Thủ tướng đề nghị cần phải xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia, ở địa phương, cơ sở, trong cộng đồng dân cư, ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôn vinh đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn bên cạnh đó cần đấu tranh, phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý để xây dựng đời sống văn hoá là việc làm của toàn dân và là nhiệm vụ bao trùm và lâu dài. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai thực hiện, Thủ tướng quán triệt tại hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào "Toàn đân đoàn kết xây dựng đời sống  văn hoá" cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện phong trào; đổi mới nội dung, phương thức theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn có trọng tâm, trọng điểm. Dành thời lượng cần thiết trong tuyên truyền về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" , nhân rộng những mô hình tốt (dòng tộc, gia đình, thôn, huyện, khu phố...). 

Thủ tướng đề nghị phát huy lối sống "mỗi người vì một người, một người vì mọi người" nhất là vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên các cấp. Có cách nghĩ, cách làm sáng tạo, kịp thời bổ sung những giải pháp phù hợp trong thực hiện phong trào của mỗi vùng miền. Thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các gia đình văn hoá theo đúng quy định để nâng cao chất lượng các gia đình văn hoá, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện trong cộng đồng xã hội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ đóng góp cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". 

Cấp uỷ, chính quyền các cấp dành nguồn lực và thời gian cho việc xây dựng và phát triển phong trào cũng như giữ gìn, xây dựng nền văn hoá nói chung trong thời gian tới.          

Trên 1.200.000 gương người tốt, việc tốt

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2000-2018", phong trào này luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua yêu nước khác, trở thành động lực mạnh mẽ, xây dựng những cá nhân, tập thể, gia đình, làng xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá, phấn đấu theo tiêu chuẩn con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tạo dựng diện mạo mới trong xây dựng và phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ các nội dung phong trào với thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW "về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; đấu tranh có hiệu quả trước âm mưu thủ đoạn "diễn biến hoà bình" và các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Qua 18 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ kết, tổng kết phong trào đã có trên 1.200.000 gương người tốt, việc tốt; 19.064.069/22.236.778 gia đình được công nhận "Gia đình văn hoá"; 69.024/106.382 hiện được công nhận làng, thôn, ấp, bản, Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời./.



PV/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực