Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển tích cực

Thứ tư, 21/03/2018 22:28
(ĐCSVN) – Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển tích cực với các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên. Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 (Ảnh Mạnh Hùng)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Mun Che In (Moon Jae In) và Phu nhân tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 - 24/3/2018. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển tích cực với các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên. Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

“Kỳ tích sông Hàn”

Đại Hàn Dân Quốc nằm ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên qua giới tuyến quân sự chạy dọc vĩ tuyến 38; diện tích, 99.720 km2. Dân số: 51,4 triệu người (12/2017).

Là một nước nghèo tài nguyên, thị trường trong nước hẹp, tích luỹ trong nước ít, nhưng Hàn Quốc đã công nghiệp hoá thành công, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICS).

Đến nay, nền kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 4 Châu Á, thứ 11 thế giới (năm 2017). Năm 2017, GDP Hàn Quốc đạt 1.529 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 29.730 USD (thứ 29 thế giới), Kim ngạch thương mại năm 2017 đạt 901,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 573,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 478,1 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hàn Quốc năm 2017 đã đạt mức kỷ lục 22,94 tỷ USD và là năm thứ 3 liên tiếp vượt ngưỡng 20 tỷ USD.

“Kỳ tích sông Hàn” là quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc được Tổng thống Pắc Chơng Hi khởi xướng, kéo dài từ sau Chiến tranh Triều Tiên tới trước thời kì Khủng hoảng kinh tế Châu Á (1997). Trong thời gian này, Hàn Quốc áp dụng chiến lược “Phát triển kinh tế định hướng đối ngoại” nhằm chuyển đổi hoàn toàn của nền kinh tế quốc gia thông qua xuất khẩu. Hàn Quốc xây dựng kế hoạch phát triển định hướng xuất khẩu từ những năm 1960; lấy công nghiệp hóa chất làm trọng tâm của chính sách công nghiệp quốc gia trong thập niên 1970; tái cấu trúc nền công nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm 1980; mở cửa và tự do hóa thị trường trong thập kỷ 1990; lồng ghép cải cách vào ngành công nghiệp và khuyến khích tăng cường minh bạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á (1997).

Cùng với đó, Phong trào “Làng mới” (Saemaul) là mô hình phát triển nông thôn điển hình tại Hàn Quốc đóng góp vào “Kỳ tích sông Hàn”; được Tổng thống Pắc Chơng Hi khởi xướng vào thập niên 70. Mô hình đã được triển khai trên toàn quốc, chủ yếu dựa vào ngân sách và lực lượng lao động địa phương.

Hiện Hàn Quốc đang hướng tới phát triển bền vững, hài hòa; điều chỉnh kết cấu kinh tế theo hướng tăng cường nội nhu thông qua tạo việc làm và kích thích tiêu dùng, lấy phát triển các ngành công nghiệp, khoa học hiện đại làm động lực tăng trưởng mới; chú trọng giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, an ninh, an toàn, phát triển cân đối đồng đều giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Hàn Quốc đã ký 15 FFTA với 52 quốc gia, trong đó có nhiều đối tác quan trọng (Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN...); đang đàm phán ký mới 05 FTA, đàm phán nâng cấp 03 FTA và nghiên cứu tính khả thi của 04 FTA.

Sau khi lên nắm quyền (5/2017), Tổng thống Mun Che In chủ trương đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển bền vững, hài hòa; chú trọng tăng cường hợp tác phát triển, chống bảo hộ mậu dịch; điều chỉnh chính sách đối ngoại tiếp tục coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường quan hệ với các nước lớn, triển khai mạnh chính sách hướng Nam mới với trọng tâm là ASEAN và Ấn Độ.

Hàn Quốc: Đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Trong những năm qua, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang trên đà phát triển năng động. Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm qua đã phát triển nhanh chóng, những chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và mối giao lưu ngày càng tăng giữa hai dân tộc đã và đang làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa… của nhau, kiến lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai dân tộc vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đến nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về viện trợ phát triển chính thức (sau Nhật Bản), du lịch và thương mại (sau Trung Quốc). Hàn Quốc dành ưu tiên hợp tác cao nhất cho ASEAN, trong đó có Việt Nam chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản.

Về đầu tư trực tiếp, đến nay Việt Nam là điểm đầu tư lớn thứ 4 của Hàn Quốc ra nước ngoài (sau Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ). Trong 2 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2, sau Xin-ga-po với tổng vốn đầu tư cấp mới là 243,6 triệu USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), hiện nay Việt Nam là đối tác nhận viện trợ lớn nhất của Hàn Quốc. Nhiều hình thức viện trợ (vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật...) được Hàn Quốc áp dụng, tập trung cho các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, quản lý tài nguyên nước, hạ tầng... Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012-2015, Hàn Quốc cam kết hỗ trợ 1,5 tỷ USD vốn ODA cho giai đoạn 2016-2020.

Về thương mại, trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 61,5 tỷ USD tăng 41,29%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của ta đạt 14,8 tỷ USD (tăng 29,96%), nhập khẩu đạt 46,7 tỷ USD (tăng 48,4%); thâm hụt thương mại với Hàn Quốc lên tới 31,9 tỷ USD tăng 53,74%, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 9,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD tăng 36,4%, nhập khẩu đạt 7 tỷ USD tăng 18,7%. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Đài Loan) và Việt Nam là nước xuất khẩu lao động lớn thứ 2 (sau Trung Quốc). Hiện Việt Nam có gần 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.

Về hợp tác du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Năm 2016, đã có trên 1,54 triệu lượt du khách Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2017, lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,5 triệu lượt khách (tăng 128% so với cùng kỳ năm 2016). Trong 2 tháng đầu năm, khách Hàn Quốc đạt 619,7 nghìn lượt người, tăng 70%.

Về hợp tác nông nghiệp, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình Nông thôn mới, nổi bật nhất là “Chương trình Hạnh phúc” tại tỉnh Quảng Trị, được chính thức triển khai tháng 2/2015 với tổng mức đầu tư 11,6 triệu USD, (Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 9,67 USD, Việt Nam cung cấp 1,93 triệu USD vốn đối ứng) và Chương trình Hạnh phúc tại tỉnh Lào Cai với tổng vốn đầu tư 31 triệu USD, (Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 14 triệu USD, Việt Nam cung cấp 17 triệu USD vốn đối ứng).

Về hợp tác giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch 10/2008) cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Ngày 16/02/2016, Bộ Giáo dục đào tạo và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học.

Về hợp tác khoa học kỹ thuật, năm 1995, Việt Nam - Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam - Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác (tháng 6/2010). Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành ngày 14/11/2015. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPTI), hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Về năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (3/2007).

Về giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương, Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tới cuối tháng 12/2017, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có 162.137 người, (trong đó có 48.537 lao động, 41.936 công dân kết hôn di trú, 21.823 du học sinh). Hàn Quốc cũng có cộng đồng khoảng 150.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân; Trong những năm qua, Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước. Đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành, địa phương của hai nước đã ký kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác.

Là hai nước Châu Á có nhiều nét văn hoá tương đồng, Việt Nam và Hàn Quốc có tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là nước có nhiều tài nguyên, đang phát triển, có lợi thế về nhân công rẻ. Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng tương đối cao. Hàn Quốc là nước công nghiệp phát triển có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao và vốn. Do đó hai nước có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển. Các mối quan hệ về chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển.

Cùng với đó, Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác có hiệu quả trên các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, khai khoáng, tìm kiếm khai thác dầu khí, hoá dầu, năng lượng, giao thông, xây dựng đô thị, nhà ở, nuôi trồng và chế biến nông, thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là trong những ngành Hàn Quốc có thế mạnh như điện tử, viễn thông, tin học…

Với nền tảng hữu nghị và hợp tác đã được hai nước gây dựng trong suốt những năm qua, chúng ta tin tưởng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Mun Che In sẽ thành công tốt đẹp, chuyến thăm tiếp tục thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./. 

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực