Quan hệ Việt Nam – Thụy Điển ngày càng toàn diện và sâu sắc

Thứ năm, 15/02/2018 21:14
(ĐCSVN) – Thụy Điển là nước phương Tây công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam (11/1/1969). Gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, văn hóa và giáo dục.

Nhân dịp Năm mới Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ngài Pereric Hogberg về mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt này.

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết những ưu tiên hàng đầu của ngài trong nhiệm kỳ tại Việt Nam?

Đại sứ Pereric Hogberg: Là Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đây vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ hấp dẫn đối với tôi. Quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam được thiết lập từ năm 1969. Khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, tôi đã ý thức được thông điệp rõ ràng từ chính phủ Thụy Điển là tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ truyền thống giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực song đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ lịch sử giữa 2 nước và đặc biệt là trên cơ sở nền tảng từ các chương trình hợp tác phát triển từ năm 1969 tới năm 2013. Thụy Điển cung cấp cho Việt Nam khoản hỗ trợ gần 4 tỷ USD. Trong mối quan hệ lịch sử đặc biệt như vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trong đó bao gồm trao đổi đối thoại chính trị, chia sẻ thông tin hai chiều giữa chính phủ, người dân, các cơ quan và tổ chức của hai nước để có thể hiểu và chia sẻ những khía cạnh chính trị và xã hội.

Thứ hai là thúc đẩy trao đổi kinh tế thương mại 2 nước, đặc biệt thúc đẩy thương mại đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam bởi sự có mặt của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều, giúp cho việc phát triển kinh tế tại Việt Nam và tạo thêm nhiều việc làm.

Thứ ba là tiếp tục trao đổi, duy trì các kênh đối thoại. Nhiệm vụ của tôi là chia sẻ những thông tin cập nhật về tình hình Biển Đông và các vấn đề tại ASEAN, Đông Nam Á, Myanmar, CHDCND Triều Tiên cũng như mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, Nga và Mỹ. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với việc Việt Nam cố gắng trở thành một quốc gia toàn cầu trong các tổ chức quốc tế và có vai trò tích cực hơn trong các diễn đàn khuôn khổ Liên Hợp quốc (LHQ).

Chúng tôi cũng nỗ lực để tìm ra những lĩnh vực mà cả hai bên có thể cùng hợp tác và đối thoại. Ví dụ như việc cùng nhau trao đổi, tìm kiếm để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu và làm thế nào để có giải pháp tốt hơn trong thương mại đa phương, các vấn đề trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, chia sẻ cơ hội hợp tác để thúc đẩy tự do thương mại cũng như hợp tác trong khuôn khổ LHQ. Thụy Điển hiện nay là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Chúng tôi cũng có vai trò hết sức mạnh mẽ, duy trì vai trò đó và giúp LHQ trở thành tổ chức tích cực hơn nữa trong các vấn đề toàn cầu.

Cuối cùng, tôi mong muốn cập nhật hình ảnh hiện đại mới nhất ngày hôm nay của Thụy Điển với người dân Việt Nam. Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt là tại sao từ sau Thế chiến thứ 2, Thụy Điển đã phát triển vượt bậc và trở thành quốc gia có sự đổi mới sáng tạo và luôn ở Top dẫn đầu về các chỉ số như thành công, bình đẳng, chỉ số bảng xếp hạng thế giới.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg. (Ảnh: M.V)

Phóng viên: Năm 2017 chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Ngài đánh giá như thế nào về kết quả các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước?

Đại sứ Pereric Hogberg: Năm 2017 thật sự là một năm rất quan trọng trong lịch sử ngoại giao hai nước.

Đầu tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm Thụy Điển. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trên một số lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, văn hóa, giáo duc; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động giữa các cơ quan lập pháp hai nước.

Đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Thụy Điển sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1993.

Tháng 8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng thăm các trường học tại thủ đô Stockholm. Hai bên đã cùng thảo luận về hợp tác giáo dục phổ thông, đại học, mô hình đại học tự chủ, và chất lượng giáo viên.

Tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström đã thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969 - 2019), góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Điển.
 
Trong chuyến thăm quan trọng này, hai bên nhất trí thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ngành trong một số lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, khoa học – đời sống, y tế và môi trường. Hai bên cũng cùng nhau chia sẻ những cơ chế có thể giúp thúc đẩy chương trình hợp tác trong cơ chế đa phương của LHQ, cũng như thúc đẩy vai trò của Hội đồng Bảo an LHQ, cập nhập tình hình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) tại Myanmar, tình hình diễn ra tại Triều Tiên và tình hình hợp tác giữa Châu Âu và ASEAN.
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Margot Wallström cũng trao đổi về chiến lược ngoại giao nữ quyền mà Thụy Điển đang theo đuổi, đặc biệt là buổi trao đổi trực tiếp với hàng trăm sinh viên nữ tại Đại học Ngoại thương. Bên cạnh đó, bà cũng đã có điều kiện gặp các tổ chức phi chính phủ về bình đẳng giới, quyền con người và quyền trẻ em.
 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström trong chuyến thăm của bà tới Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Phóng viên: Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư thứ hai từ Thụy Điển? Theo ngài, những lĩnh vực nào doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam?

 
Đại sứ Pereric Hogberg: Có thể là thú vị khi gọi là làn sóng đầu tư thứ 2 từ Thụy Điển vào Việt Nam khi các doanh nghiệp Thụy Điển đang tiếp tục xu hướng đầu tư cũng như mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đầu tiên là Volvo Car đã mở các gian trưng bày tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hãng thời trang H&M cũng mở các chuỗi cửa hàng tại hai thành phố lớn này. Một doanh nghiệp rất lớn nữa là Tetra Pak, chuyên về đồ hộp và giải pháp trong ngành đồ hộp, đã động thổ một nhà máy rất lớn tại Bình Dương, cung cấp thêm 200 việc làm mới cho Việt Nam. IKEA, một thương hiệu lớn khác tiếp tục phát triển gia công tại Việt Nam. Hiện nay, thương hiệu này cung cấp hơn 110.000 việc làm thông qua tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp.
 
Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp đang tiếp tục thành công tại Việt Nam như ABB, Electrolux, và SKF. Họ là những doanh nghiệp đã có những bước tiến và có sự đầu tư lâu dài tại Việt Nam. 
 
Du lịch, một lĩnh vực thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Thụy Điển khi tới thăm Việt Nam. Trong năm 2017, Việt Nam đã đón 44.000 du khách Thụy Điển, cao hơn rất nhiều so với 37.000 lượt vào năm 2016. 
 
Hiện nay, hàng tuần có chuyến bay thuê bao từ Stockholm tới Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch huyện đảo và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch Thụy Điển đến với Phú Quốc.
 
Khi du khách Thụy Điển được trải nghiệm Việt Nam họ cũng sẽ giới thiệu cho người thân trong gia đình cũng như bạn bè về Việt Nam, góp phần tăng lượng khách Thụy Điển tới Việt Nam.
 
Cuối cùng là các doanh nghiệp về tài chính. Theo tôi biết, hiện nay có 5 quỹ đầu tư Thụy Điển đang rất tích cực tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam khi họ liên tục mua cổ phiếu từ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Với sự thâm nhập của các quỹ đầu tư Thụy Điển, chúng tôi hy vọng sẽ chia sẻ và chuyển giao được những kinh nghiệp quản lý, cách điều hành hiện đại hợp với xu thế khi chúng ta bước vào một xã hội công nghệ như hiện nay. 
 
Có 4 lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Thứ nhất là chế tạo, chế xuất các sản phẩm và các hàng hóa có hàm lượng kỹ thuật cao thông qua ABB, Tetra Park và Electrolux. Thứ hai, đầu tư vào các lĩnh vực và tập đoàn bán lẻ vì các sản phẩm Thụy Điển có chất lượng cao với vòng đời sản phẩm lâu đời, giá cả có thể cao hơn nhưng hợp lý hơn các sản phẩm cùng loại. Thứ ba, các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào mô hình quản lý như các quỹ đầu tư và mô hình trường học nơi mà họ có thể chia sẻ được phương thức quản lý và giá trị của Thụy Điển như là đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Cuối cùng, đầu tư vào du lịch. 
 
Phóng viên: Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Đại sứ có điều gì nhắn gửi tới người dân Việt Nam?
 
Đại sứ Pereric Hogberg: Tôi xin gửi lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng và thành công tới người dân Việt Nam. 
Chính phủ và nhân dân Thụy Điển sẽ tiếp tục là những người bạn cam kết tin cậy với Việt Nam. 
 
Phóng viên: Cám ơn Đại sứ! Xin chúc ngài lời chúc sức khỏe và tiếp tục thành công hơn nữa trên cương vị của mình!
Bích Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực