Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 30/05/2019 21:07
(ĐCSVN) - Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời thêm về vấn đề giá điện và kiểm soát CPI, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành.

Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018: Nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo và việc thực hiện linh hoạt, quyết liệt các biện pháp điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ  mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của đại biểu đã phân tích làm rõ thêm nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được năm 2018, nhất là những yếu tố tích cực có tính chất đột biến, dài hạn nhằm phục vụ tốt công tác điều hành những năm tiếp theo. Một số ý kiến của đại biểu tập trung về những nội dung cụ thể như: công tác xây dựng thể chế; tình hình thu - chi ngân sách còn thiếu tính bền vững, phụ thuộc vào các nguồn thu ngắn hạn; việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng đăng ký kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao; việc rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh chưa thực chất; hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng; vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc và lo lắng trong xã hội; tình hình, diễn biến của các vụ án tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn ngày càng phức tạp; công tác quản lý, xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia quá mức cho phép, dương tính với ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông...

Về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2019: Các đại biểu thể hiện sự đồng tình với kết quả đạt được trong những tháng đầu năm; đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung sau: vấn đề sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi tác động xấu đến ngành chăn nuôi; đề nghị Chính phủ đánh giá và  báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện, tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội; tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc; về hoạt động “tín dụng đen”; việc chậm cải thiện quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc chậm giải ngân một số dự án giao thông quan trọng quốc gia và tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT; giải pháp xử lý dứt điểm gian lận trong thi cử, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo và bạo lực học đường; về việc chậm triển khai công tác xây dựng pháp luật; về diễn biến phức tạp của nhiều vụ giết người man rợ và buôn bán ma túy số lượng lớn...

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau: hoàn thiện thể chế, sớm ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã được Quốc hội thông qua; giảm bớt thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong đầu tư xây dựng các dự án quan trọng quốc gia; tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp đối với vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông năm 2019; xử lý nghiêm các trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm về ma túy quy mô lớn; giải pháp điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao…

Trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ và cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng kế hoạch gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học; có cơ chế phù hợp để phát triển dục đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long; có giải pháp chống thất thu thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế; đánh giá lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải pháp triển khai tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; dành nguồn lực nhiều hơn để đầu tư cho các tỉnh khó khăn, biên giới, nâng cao đời sống nhân dân; giải pháp đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; đảm bảo bền vững trong thu ngân sách nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân; thực thi pháp luật gắn với trách nhiệm người đứng đầu; khắc phục những vấn đề "nóng" liên quan đến thực thi Luật quy hoạch; điều hành chính sách tiền tệ; vấn đề bảo đảm an toàn hàng không...

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long)

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị thời gian tới việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần đặc biệt quan tâm đến đặc thù điều kiện kinh tế - xã hội, tự nhiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long để có cơ chế phù hợp, cũng như cơ sở các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi huy động trẻ em đến trường, giảm tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, Chính phủ cần rà soát đánh giá mức độ đầu tư đối với vùng nhằm đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa các vùng trên cả nước, ưu tiên nguồn lực đầu tư của Trung ương cho hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học, có chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và chính sách hỗ trợ cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giải quyết hiệu quả tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học, bậc học gắn với việc sắp xếp quy mô trường lớp và lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phản ánh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn nhiều, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, dù Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp song thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn phải tự lực, tự tìm nguồn hỗ trợ khác nhau theo nhu cầu phát triển. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; thiếu sự đồng hành của chính quyền địa phương; một số hộ kinh doanh chưa sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp; việc thực hiện một số chính sách ở các địa phương còn bất cập. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, để đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời cần có sự chung tay các cấp chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hưởng đúng và đủ chính sách ưu đãi và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động...

Về phương án sáp nhập sở, ngành, theo phân tích của đại biểu cho thấy, từ năm 1986 đến năm 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713; đơn vị hành chính cấp xã tăng 9.657 lên 11.162, bình quân mỗi năm tăng khoảng 50 xã và con số này giữ nguyên cho đến nay. Vì vậy, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, cải cách bộ máy, tiết kiệm ngân sách để đầu tư phát triển là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, nhằm giảm đầu mối, tinh giảm biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách.

Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, trong khi còn nhiều vướng mắc nảy sinh như việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sáp nhập lại các đơn vị hành chính, nhất là nguồn lực tài chính và giải quyết chính sách đối với cán bộ.

Ý kiến của các đại biểu cho biết, trước thềm đại hội Đảng các cấp và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương, sớm hoàn thiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 /2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam), sau khi sáp nhập đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: khi sáp nhập quy mô, tổ chức Đảng và dân số tăng, nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước, đây là điểm không hợp lý. Các cấp có thẩm quyền nên phân loại thôn, xóm theo quy mô dân số để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp. Bên cạnh đó, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, rất cần có cơ chế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất của các xóm trước khi sáp nhập. Với các xóm xa trung tâm xã, đề nghị xã cho đấu giá đất nhà văn hóa cũ để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Bộ Nội vụ và các cơ quan kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, sao cho việc sắp xếp lại phải căn bản, cách làm phù hợp, cần đặc biệt quan tâm các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện địa lý của cộng đồng. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho biết: Năm 2011, Hà Tĩnh đã mạnh dạn trình HĐND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp kiện toàn các cơ quan hành chính và đặc biệt là sáp nhập các thôn, xóm. Chúng tôi đã sáp nhập hàng nghìn thôn, xóm và giảm được hàng ngàn cán bộ, tiết kiệm cho ngân sách một năm trên 40 tỷ đồng.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt như việc sáp nhập 3 xã hợp nhất thành 1 xã, trong đó có 1 xã nông thôn mới, 1 xã trung bình, 1 xã đang hưởng chính sách 135... Cần có văn bản hướng dẫn và quy định thống nhất cho các địa phương trong cả nước, nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc, thậm chí thành điểm nóng.

Nói về phương án sáp nhập sở, ngành Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, đến nay, các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đầy đủ với 4 Nghị quyết của Trung ương và văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.  Mục tiêu của đợt sắp xếp là nhằm tổ chức lại hợp lý các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; phát huy mọi nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm 2021. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và thực hiện theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm với cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Những nơi đã rõ, đã thuận lợi thì làm trước và không sắp xếp bằng mọi giá các đơn vị hành chính khi không bảo đảm các yếu tố thuận lợi, gây xáo trộn lớn, mất ổn định chính trị, xã hội. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, qua rà soát và số liệu báo cáo của các địa phương, đợt này, chúng ta chỉ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích và quy mô dân số.

Qua xem xét phương án tổng thể chung của các địa phương gửi về, đến nay, các tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương lập các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, ngoài những đơn vị thuộc diện cần sắp xếp đợt này, nhiều tỉnh đã khuyến khích sắp xếp thêm các đơn vị ngoài quy định như: Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Nhiều địa phương tiến hành sắp xếp cả 3 đơn vị thành một đơn vị cấp xã như Hà Tĩnh, Thái Bình. Sau sắp xếp, tỉnh Cao Bằng đã giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 4/199 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Hòa Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 59 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Hà Tĩnh giảm 47 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Thanh Hóa giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã.

Về giải pháp sắp xếp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác như Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thống kê để rà soát các phương án cụ thể, giúp địa phương tổ chức tốt đề án.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đến nay, theo phản ánh của các địa phương, vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất là số lượng lớn cán bộ công chức dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đã đề ra một số giải pháp giải quyết số cán bộ công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thực sự hấp dẫn nên thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu và phối hợp với các cơ quan Chính phủ ban hành một số chính sách giải quyết theo nhu cầu thực tiễn tại các địa phương được sắp xếp.

Giải trình về việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 nghị định mới theo nguyên tắc Chính phủ chỉ quy định khung cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, số lượng cơ quan chuyên môn sau khi sắp xếp không được nhiều hơn số lượng hiện có. Việc quy định khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa để thành lập các tổ chức bên trong cơ quan chuyên mô cấp tỉnh, cấp huyện được giao cho UBND tỉnh quyết định. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là vấn đề mới và phức tạp trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Vấn đề này được xã hội rất quan tâm. Do đó, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị, cơ quan chuyên môn trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào chiều mai, 31/5.

Theo chương trình, sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước. Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực