Quy định chặt chẽ việc quản lý nguồn gốc, chất lượng phân bón trên thị trường

Thứ sáu, 08/06/2018 21:58
(ĐCSVN) – Cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt, nhiều đại biểu cho rằng, những năm qua tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra khá nhiều nên cần thiết phải quản lý chặt hơn. Đồng thời, cần kiểm tra, xử phạt nghiêm những vi phạm xảy ra trong sản xuất phân bón.

Chiều ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trồng trọt. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 8/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trồng trọt.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Trồng trọt. Việc ban hành luật sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế về quản lý cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trồng trọt.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong Dự thảo Luật, quy định rõ hơn về lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt…

Về ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát chất lượng phân bón, nhiều đại biểu cho rằng, trước tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường, việc quy định về quản lý phân bón trong dự thảo Luật là rất cần thiết. Do đó, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép, kiểm tra, xử phạt nghiêm những vi phạm xảy ra trong sản xuất phân bón.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), với thực trạng bát nháo về phân bón hiện nay, mặc dù quy trình quản lý phân bón trong Dự thảo Luật hơi rườm rà nhưng vẫn có thể chấp nhận nhằm mục đích quản lý chặt chẽ về phân bón.

Đại biểu dẫn chứng, hiện cả nước có 20.000 loại phân bón trên thị trường và hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón, với công suất 29,5 triệu tấn/năm, dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng trong khi việc chống nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng chưa mang lại hiệu quả. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần chỉnh lý lại theo hướng, quản lý phân bón nhất thiết phải dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Đạị biểu cũng cho biết, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, phải coi trọng quản lý điều kiện quy trình sản xuất kỹ thuật, kinh doanh phân bón và các doanh nghiệp được đăng ký chỉ được công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường.

Đồng quan điểm trên đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng cho rằng, trong những năm qua, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra khá nhiều nên cần thiết phải quản lý chặt  hơn. Theo đại biểu, quản lý phân bón trong Luật Trồng trọt nên tập trung vào quản lý nguyên liệu làm phân bón, chất lượng phân bón, phân bón nhập khẩu và cách thức sử dụng các loại phân bón.

Về chiến lược phát triển trồng trọt được cập nhật, điều chỉnh khi có sự thay đổi của chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: Trồng trọt liên quan đến một chuỗi từ đất trồng trọt, nguồn gen cây trồng, giống cây trồng, tưới tiêu, phân bón, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, công nghệ thu hoạch, tiêu thụ nông sản…

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa bao quát hết các vấn đề, các đối tượng cần quản lý khác liên quan đến trồng trọt thì quá ít hoặc là thiếu như về nguồn gen, đất trồng trọt, bảo vệ thực vật và nước tưới. Bởi vậy, cần quy định các yếu tố đó với tư cách là các loại vật tư đầu vào được sử dụng trong trồng trọt, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về nguồn gen, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới để kiểm soát toàn diện quá trình canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Đại biểu cũng đề xuất bổ sung các quy định sao cho cân đối và đúng với tính chất của trồng trọt được hiểu là một chuỗi canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh.

Theo đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng chưa cân xứng với nội dung cần điều chỉnh. Dự thảo Luật gồm 82 điều thì có 54 điều về giống và phân bón, rất ít điều luật điều chỉnh các yếu tố quan trọng khác liên quan đến trồng trọt như nước tưới, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung các lĩnh vực khác liên quan đến trồng trọt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực