Quy mô đầu tư dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng?

Thứ hai, 11/11/2019 14:42
(ĐCSVN) – Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận tại tổ

Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và quy mô đầu tư dự án PPP.

Cụ thể, theo dự thảo, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện; hệ thống cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị; công viên; trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin; các lĩnh vực khác phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về quy mô đầu tư dự án PPP, dự thảo Luật quy định, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh – quản lý.

Phát biểu thảo luận tại tổ, nhất trí với việc ban hành luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đề nghị, cần xác định rõ khi nào dự án cần đưa vào đầu tư theo hình thức PPP để tránh việc giữa đầu tư tư nhân, đầu tư PPP, đầu tư công thuần túy. “Không thể đầu tư PPP mà cứ đưa vào đầu tư PPP sau này sẽ dẫn tới rủi ro, gánh chịu của xã hội lớn hơn. Đây là vấn đề cần phân định rõ” - đại biểu đề nghị.

Với việc dự luật đưa ra tiêu chí các dự án từ 200 tỷ đồng trở lên, đại biểu nhận xét, đây mới đơn thuần chỉ là về vốn. Trong khi đó, nếu chỉ dựa vào vốn thì có lẽ chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Chỉ bản thân mức 200 tỷ có lẽ phù hợp với một số lĩnh vực như đầu tư về hạ tầng giao thông, còn nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực, hiệu quả của nhà đầu tư...” - đại biểu phân tích. Do vậy, theo đại biểu, cần bổ sung các tiêu chí để xác định dự án nào là dự án cần kêu gọi PPP chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiêu chí vốn.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, mức vốn cũng cần đa dạng hơn theo từng lĩnh vực. Đồng thời nhấn mạnh, để có được dự án kêu gọi PPP tốt thì phải làm sao để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để lựa chọn và cân nhắc kỹ xem có nên tham gia không, có phù hợp với năng lực của họ hay không. Do đó, vấn đề quan trọng là cần đưa ra được thiết kế dự án chi tiết, chính xác. “Vì đây là dự án đầu tư công nên trách nhiệm này thuộc về nhà nước và phải thẩm định việc này để đảm bảo thiết kế dự án đó là tốt nhất, phương án đầu tư tốt nhất, kỹ thuật cao nhất, chi phí là hợp lý nhất. Do vậy, cần làm rõ vai trò của nhà nước trong thiết kế và thẩm định dự án” - đại biểu phát biểu.

Ở khía cạnh khác, đại biểu cho rằng, đây là dự án đầu tư công và người dân là người trực tiếp tham gia quá trình chi trả cho dự án. Do vậy, tính chất công khai, minh bạch của dự án phải rất cao, thậm chí cao hơn các dự án đầu tư công thông thường vì người dân phải nắm rõ, hiểu rõ để sau này tham gia vào quá trình hưởng thụ và chia sẻ dễ dàng chấp nhận. “Thời gian qua, các dự án đầu tư đúng chứ không phải không đúng, cả các dự án cải tạo, nâng cấp nhưng do chưa được công khai, minh bạch rõ ràng để người dân hiểu được, cùng chia sẻ. Yếu tố liên quan đến giám sát, công khai minh bạch và sự tham gia của người dân vào các dự án này cần đặc biệt coi trọng” - đại biểu khẳng định.

Cho ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng. Bởi lẽ, có nhưng lĩnh vực thì số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn, do đó nên ủy quyền cho Chính phủ quy định.

Ông cũng cho rằng không nên giới hạn lĩnh vực đầu theo phương thức PPP. Theo ông, nên bổ sung một số lĩnh vực khác cũng cần đầu tư theo phương thức PPP như: khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP thì phù hợp hơn. “Tôi nhớ hồi xưa có 1 tỷ mua được một căn hộ, còn bây giờ có khi phải nhiều hơn. Bây giờ quy mô 200 tỷ thì được nhưng sau này sợ đồng tiền mất giá sẽ khéo theo nhiều thứ” – ông lí giải.

Đáng chú ý, theo đại biểu, khi làm dự án PPP sẽ “động” tới đất đai, công ăn việc làm, cuộc sống của người dân nên trước khi kí hợp đồng cần lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động. “Chính những ý kiến này là thành tố đưa vào hợp đồng hợp tác công tư để đảm bảo quyền lợi của người dân bị tác động” - đại biểu khẳng định./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực