Sẽ chỉnh lý, hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ​

Thứ bảy, 15/09/2018 15:43
(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 để ban hành; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về công tác tư pháp tại địa

Sáng 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ 6. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh: Chiến Thắng

Phiên họp thứ 6 xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với Tờ trình của Ban Nội chính Trung ương về nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021; Báo cáo của Quân ủy Trung ương về việc điều chỉnh Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”; Tờ trình của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”; Báo cáo về một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số địa phương.         

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, đánh giá cao sự cố gắng của Ban Nội chính Trung ương, Quân ủy Trung ương và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trong công tác xây dựng các đề án, báo cáo và chuẩn bị các tài liệu trình Ban Chỉ đạo xem xét tại Phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã có ý kiến thể hiện rõ quan điểm cá nhân về từng nội dung nêu trong các tờ trình, đề án, báo cáo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, quy chế này đã được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương được giao, đã thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ nay, không có trở ngại và hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, quán triệt tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 về việc đổi mới và tinh gọn bộ máy, Ban Nội chính Trung ương được giao thêm chức năng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, nên phải sửa lại một số nội dung về chức năng, nhiệm vụ của Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực và các Phó Trưởng ban; đồng thời điều chỉnh lại một số vụ, cục, các ban của Văn phòng Thường trực trước đây.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 để ban hành. Cùng đó, phải khẩn trương hoàn thành Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có việc tổ chức lại Văn phòng Ban Chỉ đạo cho phù hợp, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; chỉ đạo xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Thư ký bảo đảm đủ điều kiện thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo từ nay đến hết nhiệm kỳ, đặc biệt là tham gia tổng kết toàn diện việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.


Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chiến Thắng

Đối với đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chấp hành rất nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Việc điều chỉnh mô hình tổ chức của các cơ quan tư pháp trong Quân đội cũng là để chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp thu các ý kiến xác đáng tại phiên họp để hoàn thiện đề án trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Về đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, đây là vấn đề mới và đã được Tòa án Nhân dân Tối cao thí điểm triển khai tại Hải Phòng. Hòa giải là chủ trương, chính sách rất lớn, một trong những bộ phận quan trọng trong chính sách hình sự, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta. Chính sách này đã được thực hiện lâu nay và đã đạt kết quả tốt với nhiều hình thức. Tuy nhiên, mô hình hòa giải mà Tòa án Nhân dân Tối cao đang thí điểm ở Hải Phòng là mô hình mới, đã được tham khảo mô hình của các nước. Chủ tịch nước đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng, mở rộng sang một số tỉnh, thành khác và tổng kết để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số địa phương, qua tổng hợp của Ban Nội chính, thời gian qua các cấp, các ngành ở địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ở các địa phương được duy trì thường xuyên, kịp thời chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương của Trung ương về công tác cải cách tư pháp. Mối quan hệ giữa các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, tư pháp, thi hành án có nhiều chuyển biến, kịp thời tham mưu với cấp uỷ chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề, vụ việc theo thẩm quyền. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều đổi mới, chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhất là các vụ án các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm, các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm. Đề cao tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh, rõ đến đâu xử lý đến đó, không để kéo dài, không chịu bất cứ áp lực nào, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai…Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp ở các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trong đó có việc giải quyết các vụ án hành chính, công tác thi tuyển, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán còn chậm dẫn tới tình trạng gây quá tải và áp lực và công việc cho các tòa án địa phương.

Cho ý kiến về  vấn đề này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo đúng đường lối của Đảng.

Chủ tịch nước nhất trí với ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Theo đó, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mang tính cấp bách phải được chỉ đạo giải quyết ngay, không để chậm trễ, kéo dài./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực