Sẽ giám sát, xử lý nghiêm sai phạm để nâng cao chất lượng quy hoạch

Thứ ba, 04/06/2019 17:28
(ĐCSVN) – Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội còn chậm, việc xử lý vi phạm xây dựng tại toà nhà 8B Lê Trực …là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6. (Ảnh: Bích Liên)

 Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế

Mở đầu phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng); Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương); Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên); Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định); Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)...đặt câu hỏi về: Giải pháp xử lý các khu đô thị hoang; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp xử lý vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; trách nhiệm và giải pháp quản lý quỹ đất sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội; trách nhiệm của các bộ, ngành và Bộ Xây dựng trong việc tham mưu quản lý căn hộ, biệt thự du lịch…

Trả lời đại biểu về vấn đề tổ chức quản lý đô thị, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua quá trình đô thị hóa của đất nước diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân đô thị ngày một được nâng cao. Tuy nhiên việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, như vẫn tồn tại những khu đô thị không người ở như đại biểu nêu.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại là do yếu kém về chất lượng quy hoạch còn thấp, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển,... dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu; việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng...

Để xảy ra những tồn tại trên Bộ trưởng cũng thừa nhận, trách nhiệm của Bộ Xây dựng về tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời; chưa thực sự phối hợp quản lý, đôn đốc các địa phương; một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao còn chậm thực hiện; còn bộ phận cán bộ chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân...

Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, trong thời gian tới, Bộ sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, công khai quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện, giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...

Liên quan đến việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, những năm qua vi phạm về xây dựng không phép, sai phép đã giảm dần song vẫn còn ở mức cao và đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc. Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý đô thị để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.

Về việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, Bộ trưởng Hà cũng khẳng định đây là trách nhiệm của Hà Nội. Theo Bộ trưởng, TP. Hà Nội đang thực hiện công tác cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Hiện tại, việc phá dỡ các tầng vi phạm theo chiều ngang đã được thực hiện. Tuy nhiên, việc phá dỡ phần vi phạm theo chiều dọc còn gặp khó khăn.“Cắt một số diện tích của các tầng theo chiều dọc có liên quan đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định sẽ sử dụng các đơn vị của Bộ Xây dựng hỗ trợ nếu Hà Nội yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý hợp lý nhất.

Phát triển phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hộ

Trả lời đại biểu về hiện tượng thiếu bền vững của thị trường bất động sản, giá đất đai tăng quá mạnh và giải pháp của Bộ để làm “lành mạnh thị trường” Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay: Do có sự chưa đồng bộ của thể chế, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật của các lĩnh vực khác. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn lực tài chính cho bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. “Nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ. Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng nêu thực trạng các địa phương chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian. Bởi vậy, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về việc di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội rất chậm, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng việc này liên quan tới nhiều cơ quan.

Bộ trưởng giải thích, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.

“Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời", Bộ trưởng cho hay./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực