Sẽ xử lý sớm, nghiêm vụ “bảo kê” chợ Long Biên

Thứ hai, 01/10/2018 21:15
(ĐCSVN) – Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, chiều ngày 01/10.
 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn: Vụ việc bảo kê xảy ra ở Chợ Long Biên là khó chấp nhận, nếu đúng như thông tin phản ánh là có sự bảo kê của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có công an. Do đó, nếu có thông tin chính xác thì đề nghị báo chí cung cấp cho công an. 

“Vụ án đã được khởi tố, Công an TP. Hà Nội đang vào cuộc tích cực, trách nhiệm, theo chỉ đạo của Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, thực hiện đúng theo quy định pháp luật”, Thứ trưởng nói. 

“Việc phóng viên phản ánh vấn đề trên, ngoài thể hiện tinh thần trách nhiệm chung, còn phải đối mặt với rủi ro do các đối tượng hăm doạ trả thù. Chúng tôi biết, sẽ ghi nhận và cùng với UBND TP. Hà Nội điều tra xử lý sớm nhất theo đúng tinh thần pháp luật”, Thứ trưởng khẳng định.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBDN TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo việc này, phải xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức bảo kê theo pháp luật, không có vùng cấm.

Địa bàn Thành phố có gần 500 chợ và 112 siêu thị vẫn phục vụ nhân dân trong thương mại dịch vụ bình thường, bà con kinh doanh vẫn đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân. Trách nhiệm UBND phường là chỉ đạo, bảo đảm các hoạt động bình thường của các chợ, chỗ nào để xảy ra như chợ Long Biên sẽ xử lý nghiêm. 

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, tại phiên họp Chính phủ đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt kết quả toàn diện trên các mặt. GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011. Cả 3 khu vực đều tăng cao: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% và dự kiến chúng ta sẽ kiểm soát được chỉ số CPI theo chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.

Kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%. Đáng mừng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực FDI, cụ thể khu vực trong nước tăng 17,5% trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 14,6%. Trong 9 tháng tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, đây là mức kỷ lục.

“Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt”, Bộ trưởng cho biết.

Tính chung cả nhiệm kỳ, Chính phủ thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, Trung ương. Đến nay, đã có 9 chỉ tiêu đạt mục tiêu 5 năm và Chính phủ quyết tâm thực hiện toàn diện các mục tiêu kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ.  

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nợ công; cải cách thể chế; thúc đẩy tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực