Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Chương trình Sữa học đường là tự nguyện

Thứ ba, 25/09/2018 22:54
(ĐCSVN) - Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, khi triển khai chương trình Sữa học đường, công tác quán triệt, tuyên truyền có "tam sao thất bản", có hiểu nhầm rằng chương trình thực hiện bắt buộc, trong khi chương trình không bắt buộc, hoàn toàn là tự nguyện.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TH

Chiều 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã thông tin về đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Đề án "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...

Đối tượng thụ hưởng là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội được phụ huynh tự nguyện tham gia chương trình Sữa học đường. Đề án mang ý nghĩa nhân văn khi mong muốn góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực trong tương lai của Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, phải là hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được chất lượng sữa bởi trung bình có 1 triệu hộp sữa tiêu thụ hàng ngày, chỉ cần một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa xảy ra vấn đề thì hãng sữa có thể ảnh hưởng rất lớn.

Về hãng sữa cung cấp cho chương trình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hiện đang đấu thầu theo quy định. Có 7 đơn vị tham gia đấu thầu nhưng chắc chắn phải là các hãng sữa lớn tham gia đề án sữa học đường bởi nếu mỗi cháu một hộp thì mỗi ngày đã sử dụng hàng triệu hộp sữa nên các hãng sữa lớn mới đáp ứng được. “Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra, ngày đóng thầu sẽ là ngày 1/10 sắp tới“ – ông Tiến khẳng định.

Cũng theo ông Tiến, là chương trình sữa học đường học sinh uống sữa tại trường, Sở GD&ĐT có cơ chế để bảo đảm việc học sinh uống sữa. Học sinh có thể mang vỏ sữa về nhà để phụ huynh kiểm tra thành phần in trên hộp sữa, chủng loại sữa. Các nhà sản xuất khi cung cấp phải bảo đảm chất lượng và phụ huynh có quyền kiểm tra sữa này.

Theo chương trình Sữa học đường, về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Tổng sổ trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học của 3 năm học khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học. Số liệu thụ hưởng thực tế được điều chỉnh cụ thể trong các năm triển khai thực hiện Đề án.

Mức giá 1 hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đ/hộp (180ml), không tăng giá từ năm học 2018 đến hết năm 2020. Sữa dùng trong chương trình là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Theo đề án, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp báo chiều nay, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở GD&ĐT đã tổ chức quán triệt, phổ biến đến 100% hiệu trưởng, học sinh mầm non, tiểu học, phụ huynh học sinh trên địa bàn toàn Thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, khi triển khai chương trình "Sữa học đường", công tác quán triệt có "tam sao thất bản", có hiểu nhầm rằng chương trình thực hiện bắt buộc, trong khi chương trình không bắt buộc, hoàn toàn là tự nguyện nên phụ huynh học sinh có thể đăng ký nếu có nhu cầu.

Ông Tiến chia sẻ, tinh thần của chương trình sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện. Nếu phụ huynh đã đăng ký có thể hủy, chưa đăng ký có thể bổ sung, hoàn toàn không có chuyện ép đăng ký để xét thi đua. Tránh để xảy ra tình trạng học sinh không uống được sữa nhưng vẫn bị ép.

Về tiêu chuẩn sữa, ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào. Có thể khẳng định, sữa này khác cơ bản so với các loại sữa đang bán ngoài thị trường bởi trong đó, bổ sung nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao. Còn Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở GD&ĐT quản lý việc thực hiện của các trường.

Thông tin thêm tại buổi họp báo, PGS.TS Bùi Thị Nhung - trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả các tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

Mục tiêu Đề án phấn đấu đến năm 2020 có 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; Trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn Thành phố được uống sữa theo Đề án Chương trình Sữa học đường; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%; tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi và vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%; góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%; góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%; góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 - 2cm so với năm 2010.
Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực