Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng

Thứ năm, 09/05/2019 09:47
(ĐCSVN) - Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư.
Tối 8/5, tại Quảng trường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự buổi lễ. 

Tham dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá
Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nêu bật ý nghĩa của 990 năm Thanh Hóa. Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, đến nay chúng ta có thể có thể khẳng định, vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa - cái tên gần gũi, thân thương, nhưng cũng hết sức quật cường, trung dũng, đã gắn liền và khắc sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.

Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) không chỉ nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng, mà còn là dịp để mỗi người dân ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thanh Hóa là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, nơi có nền văn hoá đồ đồng “Trống đồng Đông Sơn”, góp phần cho sự phát triển rực rỡ của kho tàng văn hoá Việt.

Xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hoá phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số với hàng nghìn di tích chứa đựng những giá trị văn hoá quý giá và đặc sắc, tiêu biểu, như: huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực... Thanh Hoá còn là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam là Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hoá luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá. Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, được lưu danh bởi các anh hùng dân tộc như Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa được xem là thủ đô văn hóa kháng chiến, được Bác Hồ khen ngợi...

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cùng với những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, Thanh Hóa đã đạt được những bước đột phá quan trọng. Nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành, trong đó có dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. 

Thủ tướng tin tưởng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và của quê hương sẽ là nguồn cội sức mạnh, là nền tảng động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đồng thời, sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật hoành tráng với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên có chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”. Chương trình chia làm 3 chương, chương thứ nhất: Địa linh nhân kiệt, chương 2: Truyền thống Anh hùng, chương 3: Hội nhập phát triển./.

K.T (T.H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực