TP. Hồ Chí Minh nhập gần 6.000 tấn thịt heo đông lạnh

Thứ ba, 23/07/2019 20:30
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm, TP.Hồ Chí Minh nhập 5.647 tấn thịt heo đông lạnh, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu 10,29 triệu USD.
Thịt đông lạnh bày bán tại siêu thị. (Ảnh:TL)

Dịch tả heo Châu Phi (AFS) lan rộng trên 62/63 tỉnh, thành phố; chỉ còn 1 tỉnh Ninh Thuận chưa có dịch. Để ứng phó với tình hình dịch tả heo châu Phi kéo dài khiến giá thịt heo tiếp tục tăng, TP.Hồ Chí Minh đã tính đến phương án tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các nước để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, TP.Hồ Chí Minh nhập 5.647 tấn thịt heo đông lạnh, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu 10,29 triệu USD. Heo chủ yếu nhập khẩu từ Brazil (2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD), Mỹ (874 tấn, kim ngạch 1,75 triệu USD) và Ba Lan (848 tấn, kim ngạch 1,41 triệu USD).

Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ lực như Vissan, Công ty San Hà, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Ba Huân, Công ty CP Việt Nam có kế hoạch, chủ động dự trữ thịt heo, kết hợp hỗ trợ nông dân tái đàn để tăng nguồn cung ứng cho thị trường vào cuối năm.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 24 quốc gia có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam, trong đó có Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lithuania, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Ba Lan, Mỹ, Nga, Mexico…trong trường hợp nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt thì cho phép nhập khẩu thịt heo. 

Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho rằng, chi phí và năng lực trữ đông có hạn khiến TP khó đáp ứng nhu cầu trong dài hạn. Do đó TP tính tới phương án nhập khẩu thịt heo đông lạnh. Nhưng heo nhập về TP chủ yếu được dùng trong chế biến thực phẩm như giò, chả, xúc xích. Chỉ một sản lượng nhỏ được bán trực tiếp ra thị trường thông qua các kênh bán lẻ hiện đại do người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen sử dụng thịt đông lạnh.

Sở Công thương TP hiện tập trung thực hiện 5 giải pháp chung: theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế; quán triệt, triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường; xây dựng chuỗi cung ứng khép kín; khuyến khích tăng đàn đối với trang trại kiểm soát dịch bệnh tốt và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch về thị trường thịt heo. Đồng thời, sẵn sàng các giải pháp trong tình huống khi nguồn cung giảm mạnh, tâm lý phục hồi, nhu cầu tăng, giá nguy cơ tăng mạnh, thì sẽ cung ứng thịt heo đông lạnh đã dự trữ; nhập khẩu (tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến cửa hàng bán lẻ dao động 45 – 60 ngày), song song đó,  chủ động, tích cực kích cầu các mặt hàng thay thế (thịt gia cầm, rau củ quả…)

Sở Công thương TP tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường đảm bảo cung ứng đạt, vượt kế hoạch TP giao trong mọi tình huống thị trường. Đảm bảo nguồn hàng, giữ giá ổn định phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt heo sản xuất trong nước và ngoại nhập…

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực