Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng

Thứ sáu, 19/01/2018 21:54
(ĐCSVN) – Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra vào ngày 19/1, tại Hà Nội, với nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết; phân tích rõ những ưu điểm, hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng Đảng hiện nay mà trọng tâm là công tác tổ chức và cán bộ.


Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương
phát biểu tại Hội nghị


Kiểm soát quyền lực, phòng chống “chạy chức, chạy quyền”

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của mình, thẳng thắn, nghiêm túc, tập trung trí tuệ, phân tích đánh giá một số nội dung quan trọng như: Đánh giá những mặt được, chưa được của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong năm qua; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm làm tốt hơn nữa công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới. Các ý kiến tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những cách làm mới, mô hình hiệu quả trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm, giải pháp để kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên thông qua các kênh của báo chí, dư luận xã hội; thực hiện công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, đảng viên; nâng cao  trách nhiệm người đứng đầu...

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các quy định về quy trình tiếp nhận, phản ánh thông tin liên quan tới cán bộ có biểu hiện suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Đây là khâu quan trọng trong quy trình đánh giá cán bộ, nhằm đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên.

Đề cập tới một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là việc lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Đây là tình trạng quan ngại hiện nay. Để khắc phục được tình trạng này, Học viện tập trung đổi mới nội dung chương trình giảng dạy trên cơ sở bám sát yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Trong phương pháp học tập, tập trung đổi mới cách học trên lớp bằng việc tăng cường thảo luận, trao đổi, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học...

Một trong những cách làm được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại Hội nghị là việc nhận xét đối với từng cán bộ chủ chốt trong tỉnh. Việc làm này góp phần đánh giá thực chất cán bộ, để từng cán bộ thấy được điểm mạnh, điểm yếu, xác định phương hướng khắc phục trong thời gian tiếp theo.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì dứt khoát phải thanh lọc cán bộ thoái hóa, biến chất. Để làm được việc đó thì phải xây dựng được thể chế như Tổng Bí thư đã nói là “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Tiếp đó là quy trình phải chặt chẽ; phải đánh giá đúng, thực chất về cán bộ và phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo các khâu trong công tác tổ chức và cán bộ đều được thực hiện dân chủ và minh bạch.

 

Hình ảnh tại điểm cầu Hà Nội.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những ý kiến thảo luận tại Hội nghị. Cơ bản nhất trí với những đánh giá, phân tích của các đại biểu, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, hiện nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách thường xuyên tăng và đang ở mức cao (65%), làm cho chi đầu tư phát triển giảm và nợ công tăng. Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn còn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp ủy đảng, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư, thường vụ cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp….

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là do nhận thức và vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa ngang tầm và chưa thực sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho công tác tổ chức xây dựng Đảng. Các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tệ quan liêu, tiêu cực trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ…

Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ những nguyên nhân nêu trên, rút ra 6 bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đó là: (1) Bám sát Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp và tình hình thực tế khách quan để kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản cũng như những nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. (2) Thường xuyên, tranh thủ xin ý kiến chỉ đạo và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết đối với đội ngũ cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy các cấp. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ trong và ngoài ngành, của các cơ quan thông tấn, báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. (3) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác Tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, vai trò của các đồng chí lãnh đạo cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp. (4) Phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, coi trọng và bám sát thực tiễn; dám nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật để tham mưu và tổ chức, thực hiện đạt mục đích, yêu cầu đề ra. (5) Thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; quan tâm đến điều kiện, môi trường làm việc... nhằm tạo động lực, sự gắn bó mật thiết, lâu dài với Ngành. (6) Chuẩn hóa và siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng cơ chế để giải phóng nguồn lực, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, tính chủ động, tích cực ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là của cán bộ, đảng viên trong công tác Tổ chức xây dựng Đảng.

Với phương châm “Tích cực, chủ động; đổi mới, sáng tạo; bám sát thực tiễn; coi trọng hiệu quả”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Toàn Ngành quyết tâm bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp; căn cứ vào Chương trình công tác toàn khóa, Chương trình công tác năm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018./.

 

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực