Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương tham gia góp ý Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Thứ sáu, 18/05/2018 17:14
(ĐCSVN) - Với nhiều góc độ, cách tiếp cận khác nhau, các đại biểu dự Tọa đàm khoa học “Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương tham gia góp ý kiến Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)” diễn ra chiều 17/5 đã tập trung thảo luận về những chủ trương, quan điểm, phương pháp tiếp cận và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đây là chương trình có ý nghĩa lớn, nằm trong chuỗi các hoạt động của Đoàn để tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương tham gia xây dựng, góp ý, tham vấn và phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, thông qua diễn đàn, là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, rèn luyện đạo đức, lối sống, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đoàn viên, thanh niên hiện nay.

Các đồng chí chủ trì tọa đàm - Ảnh: HM

Với nhiều góc độ, cách tiếp cận khác nhau, các đại biểu tập trung thảo luận về những chủ trương, quan điểm, phương pháp tiếp cận và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng; Cơ quan, trình tự kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc hình thành. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp phát huy sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói chung và của đoàn viên, thanh niên nói riêng.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước. Việc mở rộng này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Điều này phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó có yêu cầu chống tham nhũng trong khu vực tư. Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư cũng góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tăng cường bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực, thực tế cho thấy, kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức, viên chức để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gia tăng thu nhập bằng các hành vi bất hợp pháp và góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Thực tiễn cho thấy, pháp luật mới chỉ quan tâm nhiều đến việc kê khai tài sản đi vào nề nếp, đúng pháp luật mà chưa có biện pháp để bảo đảm việc kê khai giúp cho nhà nước và xã hội kiểm soát được tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới về nội dung minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập, tuy nhiên, đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản không giải trình được, hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì dự thảo chưa quy định chế tài xử lý. Để khắc phục tồn tại này, có ý kiến đề nghị, cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Với tham luận góp ý cơ chế kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập, chị Đào Thị Thu Hà, Đoàn thanh niên Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) từ việc phân tích một số tồn tại, hạn chế của cơ chế kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hiện hành, đã có đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Theo chị Hà, nhất thiết phải mở rộng diện kê khai tài sản tiệm cận với đối tượng là “người có chức vụ, quyền hạn”; cần có quy định chặt chẽ hơn về thời điểm kê khai tài sản, thu nhập, cụ thể như: trước khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử, bổ nhiệm…; sau khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử, bổ nhiệm…; kê khai định kỳ hàng năm, 5 năm, 10 năm… và có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước.

Đại biểu tham luận tại tọa đàm - Ảnh: HM

Cùng với đó, cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, cán bộ, công chức và dân sự để bảo đảm xử lý được cán bộ, công chức, viên chức, có hành vi kê khai gian dối và thu hồi được tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp cũng như có cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác quản lý thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thông qua tài khoản ngân hàng; xây dựng cơ quan quản lý chung về việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước thông qua các công cụ quản lý được thiết lập bài bản, có hệ thống…

Đồng tình với ý kiến của chị Hà, theo đại diện Đoàn thanh niên Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp bộ Đoàn. Theo đó, đại diện Đoàn thanh niên Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị, các tổ chức Đoàn tổ chức quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng; xây dựng chương trình, kế hoạch về phòng chống tham nhũng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đoàn viên thanh niên; Tổ chức triển khai việc lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng vào nội dung sinh hoạt hàng tháng của Đoàn thanh niên; sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên…/.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực