Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị

Thứ năm, 12/04/2018 18:32
(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị chưa đề cập đến nhiều vấn đề hiện hữu trong cuộc sống như: Quản lý không gian trên cao của đô thị, hệ thống giao thông đô thị, vấn đề bãi đỗ xe, mật độ xây dựng, mật độ cây xanh, vỉa hè, thu gom rác…
 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)

Tiếp tục chương trình Phiên họp 23, chiều ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Dự án luật này được UBTVQH cho ý kiến lần đầu.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng mạnh

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa của Việt Nam đã từng bước gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 37,5% với 813 đô thị năm 2017, với 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 640 đô thị loại V. Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển; các đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường...) và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...).

Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng sản phẩm quốc nội và một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu khác; đã và đang có tác động to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng và cả nước.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục và quản lý một cách hiệu quả nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng đô thị hóa, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là: Chất lượng đô thị chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, chưa đảm bảo kết nối giữa các đô thị và giữa các khu vực trong từng đô thị; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối liên kết vùng.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhìn nhân, việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị chưa theo quy hoạch và kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, đặc biệt là tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các đô thị cũ chậm được cải tạo, chỉnh trang; công tác thu hồi, khai thác, sử dụng đất và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan chưa hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, gây bức xúc trong xã hội.

Hạn chế khác được chỉ ra là nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu, chưa đa dạng và chưa được sử dụng hiệu quả; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao. Năng lực quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo Bộ trưởng, qua tổ chức đánh giá tác động và tình hình thực hiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến phát triển đô thị với hơn 30 luật và nhiều văn bản dưới luật cho thấy, các hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển đô thị có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề quy định pháp luật như: Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị còn những khoảng trống, phân tán, chưa đồng bộ và chưa điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề từ thực tiễn; các quy định, chính sách, ưu đãi để khuyến khích, huy động nguồn lực phát triển đô thị còn mờ nhạt và chưa đáp ứng yêu cầu; quy định về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước trong phát triển đô thị chưa cụ thể, chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp dẫn đến hiệu quả của công tác quản lý phát triển đô thị chưa cao.

“Từ những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển đô thị trong thời gian qua và sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát của các quy định pháp luật về phát triển đô thị nêu trên đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch và có kế hoạch” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu.

Dự thảo Luật có 07 chương, 66 điều quy định về quản lý phát triển đô thị gồm: Quản lý hệ thống đô thị; phát triển đô thị theo quy hoạch; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị; quản lý nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị.

Nhiều vấn đề chưa được đề cập

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý phát triển đô thị.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về phương án ban hành Luật và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với Tờ trình và dự thảo Luật do Chính phủ trình, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật liên quan; đề nghị bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị quy định tại Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh; đề nghị làm rõ nội hàm về hoạt động phát triển đô thị quy định tại Điều 2 về Đối tượng áp dụng.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị, nghiên cứu xây dựng 01 dự án Luật chung có phạm vi điều chỉnh bao quát cả các nội dung của dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và các quy định của Luật Quy hoạch đô thị vì trong phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành đã có nội dung quản lý phát triển đô thị. Luật này cũng dành 01 chương quy định về tổ chức thực hiện và Quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Theo đó, dự án Luật mới sẽ điều chỉnh cả nội dung quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động quản lý đô thị.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết: “Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm, tuy nhiên nhiều ý kiến hơn đồng ý theo phương án thứ hai và đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh hợp lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội”.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng còn nhiều loại ý kiến về chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, về nội dung quản lý đất đô thị, về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn nếu phân biệt theo chính quyền thì có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, vậy nếu ban hành luật này thì có ban hành luật quản lý và phát triển nông thôn không?

Nhấn mạnh luật phải đảm bảo tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhận xét có nhiều luật liên quan đến vấn đề này, do đó cơ quan soạn thảo phải chỉ ra luật này liên quan đến bao luật, cụ thể là luật gì. “Liên quan đến 100 luật cũng phải thống kê vào đây, vì nếu không làm thế ĐBQH sẽ không biết luật này phủ nhận bao nhiêu luật khác, có nội dung nào mới” – Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ đồng tình xây dựng luật này. Nghiên cứu kỹ dự Luật, ông chỉ ra hàng loạt vấn đề hiện hữu, nan giải trong cuộc sống chưa được đề cập như: Hệ thống giao thông đô thị, vấn đề bãi đỗ xe, mật độ xây dựng, mật độ cây xanh, khu vui chơi giải trí, vỉa hè, thu gom rác… “Mật độ xây dựng đang dày quá; vỉa hè thì xảy ra xung đột giữa người dân và chính quyền, hay việc đánh tên số, phố nhà cũng là vấn đề phức tạp, có thực trạng nhiều nhà cùng một số...” – ông ví dụ.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc lo ngại chỉ với 66 điều dự luật chưa bao quát toàn diện được các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời cho rằng phải làm sao khi luật này ra sẽ là cẩm nang để quản lý cho tốt, phát huy được nội lực, phát huy được công trình đô thị vừa mang tính chất văn hóa xã hội, vừa tạo môi trường sống cho người dân tốt hơn.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá, dự Luật chưa đề cập đến quản lý không gian trên cao của đô thị. “Chúng ta mới chú ý không gian ngầm, còn không gian trên cao quản lý kiến trúc, cảnh quan chưa được chú ý” – ông nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến phát biểu về nguồn lực tài chính phát triển đô thị; đầu tư phát triển đô thị…/.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực