Vấn đề Brexit: Hạ viện Anh chất vấn Thủ tướng Theresa May

Thứ năm, 31/01/2019 14:59
Ngày 30/1, Hạ viện Anh đã tiến hành phiên chất vấn Thủ tướng Theresa May liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong đó tập trung vào biên giới với Ireland và khả năng Brexit không thỏa thuận.

 

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Hạ viện về thỏa thuận sửa đổi Brexit ở London,
ngày 29/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại phiên chất vấn, ông Nigel Dodds, người đứng đầu nhóm nghị sỹ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland, cáo buộc Chính phủ Ireland có những phát biểu thiếu thận trọng nhằm gây bất ổn tại khu vực biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra.

Ông Dodds cho rằng các quan chức nên tập trung vào thảo luận và tìm giải pháp cho vấn đề "rào chắn" về biên giới với Ireland ngay cả trong trường hợp Brexit không thỏa thuận như Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier từng nói.

Đáp lại, bà May tái khẳng định chính phủ Anh duy trì cam kết không có biên giới cứng trên đảo Ireland, đồng thời nỗ lực đàm phán với EU và Chính phủ Ireland nhằm đảm bảo đạt được điều này cũng như thực hiện những cam kết theo Thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành được ký kết năm 1998.

Truyền thông Anh đưa tin Thủ tướng May và thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã có cuộc tranh luận gay gắt về Brexit. Bà May không loại trừ khả năng Anh rời “mái nhà chung” EU mà không có thỏa thuận. Trong khi đó, ông Corbyn nói rằng không chấp nhận việc bà May vẫn đưa ra lựa chọn Brexit không thỏa thuận trong các cuộc thảo luận.

Vài giờ sau phiên chất vấn thủ tướng, hai chính trị gia hàng đầu của Anh đã có cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên về Brexit.

Một người phát ngôn của ông Corbyn cho biết hai lãnh đạo đã có cuộc trao đổi nghiêm túc, bàn về liên minh hải quan và quan hệ với thị trường chung EU. Sau cuộc họp được mô tả là “chân thành,” bà May và ông Corbyn nhất trí sẽ tiến hành thêm các cuộc thảo luận về Brexit sắp tới.

Tối 29/1, Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua một sửa đổi đối với thỏa thuận Brexit mà các lãnh đạo EU đã nhất trí với bà May hồi cuối năm 2018, theo đó khẳng định họ sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận "ly hôn" nếu điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi về biên giới với Ireland được xóa bỏ và thay thế bởi "các thỏa thuận khác để tránh một đường biên giới cứng."

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Barnier đều tuyên bố phản đối Anh đàm phán lại với EU về vấn đề “rào chắn.”

Theo kế hoạch, bà May sẽ trở lại Brussels để tái đàm phán với EU. Người phát ngôn của Thủ tướng May cho biết bà đang cân nhắc 3 dàn xếp có khả năng thay thế điều khoản "rào chắn" này.

Bà May sẽ trình hạ viện thông qua kế hoạch Brexit mới giữa tháng 2 tới. Nếu được chấp thuận, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới. Nếu không, nước này sẽ phải chọn một trong những phương án, bao gồm Brexit không thỏa thuận, bầu cử sớm hoặc một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác đối với chính phủ.

Theo số liệu do Hiệp hội các nhà chế tạo ôtô (SMMT) công bố ngày 31/1, vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo ôtô tại Anh năm 2018 đã giảm 46,5% so với năm trước đó, xuống còn 589 triệu bảng Anh (769 triệu USD), chủ yếu do tương lai về Brexit không được đảm bảo.

Trong khi đó, tổng sản lượng xe giảm 9,1% trong bối cảnh kinh tế Anh và thế giới sụt giảm. Những số liệu yếu kém hơn so với dự kiến khiến SMMT nhắc lại cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ là “một thảm họa” cho ngành công nghiệp chế tạo ôtô.

Trước nguy cơ Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 29/3 tới mà không đạt được thỏa thuận, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/1 đã thông qua một loạt đề xuất dự phòng trong các lĩnh vực như chương trình Erasmus+, điều phối an sinh xã hội hay ngân sách EU.

Động thái này được đưa ra sau khi Hội đồng châu Âu kêu gọi tăng cường công tác chuẩn bị ở tất cả các cấp và tiếp theo Kế hoạch hành động dự phòng mà EC công bố tuần trước, bao gồm một số biện pháp về lập pháp cũng như các đề xuất dự phòng cho ngành đánh bắt hải sản của EU.

Các biện pháp mới của EC giúp đảm bảo trong trường hợp kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra, thì giới trẻ tại EU và Vương quốc Anh đang tham gia chương trình hỗ trợ giáo dục Erasmus+ vẫn có thể hoàn tất chương trình mà không bị gián đoạn.

Các cơ quan hữu trách của EU sẽ tiếp tục tính đến các giai đoạn bảo hiểm, thời gian lao động tự do hoặc các trường hợp cư trú tại Vương quốc Anh trước khi nước này rút khỏi EU trong việc tính toán các quyền lợi về an sinh xã hội như lương hưu.

Các công dân Anh đang thụ hưởng tài chính từ EU vẫn sẽ được nhận các khoản theo hợp đồng hiện tại với điều kiện Vương quốc Anh tiếp tục tôn trọng các nghĩa vụ tài chính của họ với ngân sách EU. Biện pháp này tách biệt với việc giải quyết tài chính giữa EU và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, những biện pháp trên sẽ không thể giảm hoàn toàn hậu quả của Brexit không có thỏa thuận và cũng không bù đắp hết cho việc thiếu chuẩn bị của các bên liên quan, đồng thời không thể mang lại đầy đủ các lợi ích so với việc áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp như quy định trong thỏa thuận rút lui.

Các đề xuất trên có tính chất tạm thời, phạm vi hạn chế, sẽ được EU đơn phương chấp nhận và được đưa ra thảo luận với các quốc gia thành viên. EC sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia thành viên trong công tác chuẩn bị./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực