Vì sao bệnh viện tuyến Trung ương quá tải?

Thứ bảy, 27/10/2018 16:46
(ĐCSVN) - Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra là do người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới.

Giải trình tại phiên thảo luận tình hình – kinh tế xã hội sáng ngày 27/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trong thời gian qua với nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã có những tiến bộ khá rõ nét. Đánh giá gần đây nhất của UNDP qua chỉ số PAPI độc lập thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đạt được 76% và Tổ chức sáng kiến Việt Nam thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú là 80%. 

Trong đó, vấn đề giảm tải bước đầu có kết quả khá rõ, đặc biệt tuyến tỉnh và tuyến trung ương có 37/39 bệnh viện có giảm tải, không còn bệnh nhân phải nằm ghép trong 24h.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình tại phiên thảo luận.

Đồng thời, đã xây dựng nhiều bệnh viện mới, đặc biệt tuyến tỉnh, tuyến huyện, và tuyến trung ương thì xây mới, nâng cấp sửa chữa nhiều tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh, sạch, đẹp. Đề án xanh, sạch, đẹp, đổi mới toàn diện thái độ, phong cách hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được triển khai quyết liệt trong toàn ngành...

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối ở khoa khám bệnh khi có những bệnh viện có đến 5.000, 6.000 bệnh nhân. Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là do người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh, không tin tưởng tuyến dưới. Điển hình như dịch tay, chân, miệng vừa qua, bệnh nhân mắc bệnh độ 1, độ 2 chỉ cần ở nhà thì cũng vào viện nằm và gây sự quá tải không cần thiết, gây nhiễm trùng chéo và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tăng tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân nặng.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu về chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền, Bộ trưởng cho biết: Trong xây dựng Đề án sắp tới, chất lượng khám chữa bệnh giữa vùng thành thị với vùng núi, vùng sâu, vùng xa sẽ được cải thiện nhiều. Đó là Dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn và phải là bác sĩ giỏi, tăng cường cơ sở vật chất và nguồn vốn ODA ưu tiên cho miền núi. 

“Chúng tôi mong rằng Chính phủ sớm phê duyệt hai Dự án ODA xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho ngành Y tế một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư, mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay./. 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực