Việt Nam luôn coi trọng cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản

Thứ ba, 09/10/2018 16:58
“Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng hợp tác ngày càng thành công đáp ứng đúng mong mỏi của các nước thành viên, góp phần đóng góp và hòa bình thịnh vượng chung của khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Cố vấn Nhà nước Myanmar tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 9/10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 đã khai mạc tại Nhà khách Quốc gia Akasaka, thủ đô Tokyo, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê).Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen), Thủ tướng Lào Thongluon Sisoulith (Thong-lun Xi-xu-lít), Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (Pray-út Chan-ô-cha), Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (Oong Xan Xu Chi) đã tham dự hội nghị. Sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các Trưởng đoàn các nước Mekong cùng tham dự họp báo quốc tế để thông tin về kết quả hội nghị.

Thông tin đến các cơ quan báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh thành công của hội nghị mang lại nhiều ý nghĩa đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản. Theo Thủ tướng Shinzo Abe, khu vực Mekong có nhiều tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng. Chiến lược Tokyo 2018 được thông qua sẽ là một kim chỉ nam mới để các bên xây dựng một tương lai thịnh vượng chung. Chiến lược này bao gồm 3 trụ cột, đó là kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh. Các trụ cột kết nối linh hoạt và hiệu quả sẽ đẩy mạnh hơn sự kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng khác nhau theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Thủ tướng Shinzo Abe, để triển khai các trụ cột này, thì bước đầu tiên là xác định hơn 100 vấn đề khác nhau cần có sự hợp tác giữa các quốc gia; coi đây là nội dung chính trong chiến lược hợp tác Mekong-Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản cũng thông tin về việc sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động tư nhân để đầu tư phát triển kinh tế và thúc đẩy các dự án hợp tác trong hợp tác này.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những ý kiến của các nhà lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản về những kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10. Chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu.

Thông tin về kết quả hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các bên đã trao đổi hết sức chân thành thẳng thắn về những thành công, bài học kinh nghiệm cũng như những cơ hội và thách thức của các nước thành viên phải đối mặt trong môi trường phát triển biến động không ngừng. Từ đó thống nhất hướng đi cho hợp tác giữa 6 nước trong giai đoạn tới. Các bên đánh giá hợp tác chung Mekong - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại nguồn lợi về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân vì mục tiêu hướng về người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với hàng trăm dự án được triển khai thành công, hợp tác Mekong – Nhật Bản đã khẳng định vị trí là một trong những cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả hàng đầu ở khu vực Mekong. Những thành công này có được một phần quan trọng là nhờ sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và người dân Nhật Bản dành cho các nước Mekong nói chung, trong đó có Việt Nam. Hội nghị cũng nhận định trong môi trường phát triển có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối kinh tế Nhật Bản và Mekong mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt là thực sự cần thiết vì lợi ích chung của tất cả các bên. Chính vì vậy, quyết định nâng cấp hợp tác Mekong- Nhật Bản là hoàn toàn phù hợp, vừa phản ánh được nội dung và mục tiêu của mối quan hệ, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của hợp tác trong tương lai. Thủ tướng tin tưởng rằng những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tokyo 2018 vừa được hội nghị thông qua sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới hợp tác Mekong-Nhật Bản. Lãnh đạo các nước cũng khẳng định quyết tâm chung cùng nhau triển khai hiệu quả các chương trình dự án trong cả ba trụ cột.

Hội nghị lần này cũng khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp các khung hợp tác toàn cầu khu vực và tiểu vùng. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn, thành công hơn khi kết hợp tiềm năng và thế mạnh của mình với những cơ chế hợp tác có cùng mục tiêu và tầm nhìn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong -  Nhật Bản và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản ở khu vực vì mục tiêu hội nhập phát triển bền vững bao trùm thịnh vượng, hòa bình.

“Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng hợp tác ngày càng thành công đáp ứng đúng mong mỏi của các nước thành viên, góp phần đóng góp và hòa bình thịnh vượng chung của khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Trong phát biểu tại họp báo, các nhà lãnh đạo các nước Mekong đều đánh giá cao kết quả của Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10; chia sẻ quan điểm nhất trí về rất nhiều lĩnh vực khác nhau tại hội nghị lần này. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự thống nhất cao trong việc thông qua sáng kiến Chiến lược Tokyo 2018; đánh giá cao và cảm ơn những hỗ trợ tích cực, có trách nhiệm của Nhật Bản đối với các nước Mekong thời gian qua. Lãnh đạo các nước Mekong cùng cho rằng Chiến lược Tokyo 2018 sẽ đóng một vai trò nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia khu vực Mekong; đồng thời sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia Mekong và Nhật Bản trong những năm tới. Lãnh đạo các nước Mekong đều khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong việc hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2018 để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vì một mục tiêu chung: Xây dựng khu vực hòa bình, thịnh vượng. Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh sáng kiến của Nhật Bản về việc tổ chức Năm giao lưu Mekong -  Nhật Bản vào năm 2019 và cho biết sẽ tích cực tham gia vào tất cả những hoạt động liên quan./.

Quang Vũ/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực