Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lâu dài với Trung Quốc

Thứ sáu, 10/11/2017 17:57
(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/11/2017.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11/2015. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên. Trong các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 5/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 9/2016), lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đạt nhận thức chung quan trọng về việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.

Trung Quốc nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu; phía Đông Nam đại lục Á - Âu, phía Đông và giữa Châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương. Trung Quốc có đường biên giới chung với 14 nước gồm: Nga, Mông Cổ (phía Bắc); Kazakhstan, Kirgistan, Tajikistan (phía Tây); Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan (phía Tây Nam); Myanmar, Lào, Việt Nam (phía Nam); Triều Tiên (phía Đông). Trung Quốc có diện tích  9,6 triệu km2; Dân số: 1,37 tỷ người (cuối 2015); Hiến pháp Trung Quốc quy định, CHND Trung Hoa là nhà nước Xã hội chủ nghĩa của nền chuyên chính nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công - nông làm nền tảng; chế độ Xã hội chủ nghĩa là chế độ cơ bản; chuyên chính nhân dân là thể chế của nhà nước.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) xác định hai “mục tiêu 100 năm”: Đến năm 2020 “hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, với tổng lượng GDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng gấp đôi so với năm 2010”; Đến năm 2049 “xây dựng thành công nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”. Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng thể xây dựng trên 5 phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái; tiếp tục khẳng định kiên trì lấy “xây dựng kinh tế làm trung tâm” với nhiệm vụ chính là đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Ngay sau Đại hội XIX, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi toàn dân phấn đấu thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với 2 mục tiêu 100 năm nhằm phục hưng dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh; đồng thời đến tháng 3/2015, đưa ra khái niệm “Bốn toàn diện” (Hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả; Đi sâu cải cách toàn diện; Quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật; Quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện), coi đây là bản “cương yếu tổng quan” về quản trị đất nước, định hướng nhiệm vụ phát triển của Trung Quốc thời gian tới.

Tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XII (3/2016), Trung Quốc đã thông qua “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020)”, xác định mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chiến lược xây dựng toàn diện xã hội khá giả đúng thời hạn vào năm 2020 với 7 nội dung cụ thể: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình cao; GDP tăng trưởng trung bình trên 6,5%/năm, đảm bảo tổng GDP và mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt 90.000 tỷ NDT (khoảng 13.800 tỷ USD ); Tăng cường vai trò dẫn dắt của sáng tạo, nâng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ lên 2,5% GDP, khoa học công nghệ đóng góp cho tăng trưởng đạt 60%; Thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng đô thị hóa, đi sâu cải cách mở cửa và ưu hóa cơ cấu xuất nhập khẩu; Nâng cao chất lượng và mức sống của người dân; Nâng cao chất lượng dân số và trình độ văn minh xã hội; Cải thiện tổng thể môi trường sinh thái, thúc đẩy hình thành phương thức sống và sản xuất xanh, thân thiện với môi trường; Hoàn thiện và ổn định các thể chế và kỹ năng quản trị đất nước.

Sau 39 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên rõ rệt. Kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong 30 năm đầu cải cách mở cửa, bình quân hàng năm luôn đạt mức 9-10%, quy mô kinh tế lần lượt vượt qua Đức (năm 2008) và Nhật Bản (năm 2010), vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, được mệnh danh là “công xưởng thế giới”.

Năm 2016, GDP của Trung Quốc đạt 74.400 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 11.200 tỷ USD), tăng trưởng 6,7%, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng 51,6% GDP; thu nhập bình quân đầu người tăng 6,3%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực tế đạt trên 130 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 0,9% đạt 24,33 nghìn tỷ NDT (khoảng 3,5 nghìn tỷ USD), trong đó xuất khẩu giảm 2% đạt 13,84 nghìn tỷ NDT (khoảng 2 nghìn tỷ USD), nhập khẩu tăng 0,6% đạt 10,49 nghìn tỷ NDT (khoảng 1,5 nghìn tỷ USD), xuất siêu đạt 3,35 nghìn tỷ NDT (khoảng gần 500 tỷ USD).

Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thời gian qua phát triển vượt bậc, nhất là trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, vật liệu mới, hải dương học, kỹ thuật quân sự (chế tạo thành công tàu lặn chở người xuống độ sâu 10.000m, tàu vũ trụ đưa người lên quỹ đạo Trái đất, tàu thám hiểm Mặt trăng, modul trạm không gian, vệ tinh ứng dụng, hệ thống siêu máy tính nhanh nhất thế giới và nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại). Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, trong đó đường sắt cao tốc rất phát triển với tổng chiều dài lên tới gần 20.000 km (chiếm hơn 60% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn thế giới); tổng chiều dài đường bộ cao tốc đạt trên 120.000 km. Văn hoá, giáo dục được đầu tư mạnh (đều xấp xỉ 4% GDP) và đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế từ năm 2012 bắt đầu chậm lại, năm 2016 giảm còn 6,7%; đồng thời bộc lộ một số khó khăn nhất định như: Xuất nhập khẩu giảm sút (năm 2016 liên tục tăng trưởng âm), hệ thống tài chính - tiền tệ xuất hiện nhiều rủi ro, dư thừa năng lực sản xuất và tồn kho bất động sản lớn, dự trữ ngoại hối giảm từ mức xấp xỉ 4.000 tỷ (quý I/2015) xuống 3092 tỷ USD (tháng 8/2017). 

Trung Quốc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, “phát triển hòa bình, triển khai chính sách ngoại giao “toàn phương vị” với trọng tâm xây dựng nền ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc và đẩy mạnh ngoại giao láng giềng mới thông qua nhiều sáng kiến kết nối khu vực, nổi bật là sáng kiến “Vành đai, Con đường” và thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB); tăng cường ngoại giao đa phương và hợp tác với các nước đang phát triển, nhất là ở khu vực Châu Phi và Mỹ La tinh.

Với ASEAN, Trung Quốc tiếp tục xác định ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, chú trọng đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ sáng kiến “2+7”, thúc đẩy triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường” với ASEAN. Trung Quốc 8 năm liền là đối tác thương mại số 1 của ASEAN. ASEAN 6 năm liền là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc (sau Mỹ và EU). Kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN tăng 56 lần thừ năm 1991-2016; năm 2016 đạt 452,2 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2017 tăng 14,5% so với cùng kỳ. Lũy kế đến cuối tháng 5/2017, đầu tư hai chiều đạt hơn 183 tỷ USD, trong đó ASEAN đầu tư lũy kế vào Trung Quốc đạt 108 tỷ USD.

Việt Nam –Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên trưởng Nhân Đại toàn quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc) đã tiến hành 17 chuyến thăm Việt Nam. Riêng từ năm 2013 đến nay, tất cả lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều đã sang thăm Việt Nam.

Trong đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2015 là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc sau 9 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Việt Nam tháng 11/2006.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội) đã tiến hành 40 chuyến thăm Trung Quốc. Riêng từ năm 2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tiến hành 11 chuyến thăm và dự các hoạt động quốc tế tại Trung Quốc.

Các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giữa các tổ chức chính trị xã hội, địa phương của hai nước ngày càng được mở rộng. Hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn giữa các Ban Đảng, đã tổ chức được 13 cuộc hội thảo về lý luận giữa hai Đảng. Năm 2006, hai bên thành lập cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và đã tiến hành được 10 phiên họp toàn thể để điều phối tổng thể các mặt hợp tác trong quan hệ hai nước. Các ngành quan trọng như: Ngoại giao, An ninh, Quốc phòng giữa hai bên đã ký và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế hợp tác như: Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác phòng, chống tội phạm; Đối thoại An ninh chiến lược cấp Thứ trưởng; Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt – Trung; Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới.

Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, nhà đầu tư lớn thứ 8/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Về thương mại, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương từ mức 32 triệu USD năm 1991 lên mức 70,5 tỷ USD năm 2016, tăng gấp hơn 2200 lần. Năm 2016, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

8 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 55,23 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016, nhập siêu từ Trung Quốc 17,77 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam; năm 2016 có 2,7 triệu lượt du khách Trung Quốc sang Việt Nam và khoảng 2,2 triệu lượt du khách Việt Nam sang Trung Quốc, đứng đầu trong số du khách ASEAN đi Trung Quốc; trong 8 tháng năm 2017 có hơn 2,65 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 51,4% so với cùng kỳ.

Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 8/2017, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 1.727 dự án với số vốn đăng ký đạt 11,93 tỷ USD, đứng thứ 8/122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; riêng 8 tháng năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 1,6 tỷ USD.

Thời gian qua, Lãnh đạo hai nước đạt nhận thức chung về việc hai bên tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp hữu hiệu, cùng nhau thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lực sản xuất và đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính - tiền tệ phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Hai bên đã thiết lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ (4/2015), ký Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021 (9/2016), Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi (9/2016) và nhiều Bản ghi nhớ hợp tác về cùng xây dựng kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng, hợp tác năng lực sản xuất; tạo khuôn khổ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Chính phủ Trung Quốc cung cấp một số khoản tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, gần đây như: Viện trợ 1 tỷ Nhân dân tệ dùng trong lĩnh vực dân sinh trong giai đoạn 2016 - 2021, 50 triệu Nhân dân tệ cải thiện điều kiện y tế, giáo dục tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nước, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, giáo dục. Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức và thiết thực. Hai bên có trên 30 cặp tỉnh/thành phố thiết lập quan hệ hữu nghị. Hai bên đã thiết lập và tiến hành 08 phiên họp Ủy ban công tác liên hợp giữa 04 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và 06 phiên họp Nhóm công tác liên hợp giữa 04 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang với tỉnh Vân Nam; 06 phiên họp Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ/ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; 07 kỳ họp Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; 02 chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư 4 tỉnh Việt Nam và Bí thư Quảng Tây, Trung Quốc.

Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường. Hai bên đã tổ chức 03 Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây (2010, 2013) và Hà Nội (2016); 02 lần Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc (2010, 2013), 08 lần Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, 17 lần Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.

Về biên giới lãnh thổ, sau khi bình thường hoá quan hệ, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ (1993). Hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề khó khăn, tồn tại về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại là hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền (năm 2008) và phân định Vịnh Bắc Bộ (năm 2000). Với việc hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên phân định thành công một vùng biển với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông vẫn tồn tại. Năm 2011, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, góp phần định hướng cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Hai bên duy trì trao đổi về vấn đề Biển Đông trong các cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung và 03 Nhóm công tác về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa; Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lâu dài với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Với mong muốn và thiện chí của cả hai bên, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam ngay sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm phát huy xu thế tích cực, duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước; thúc đẩy trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị giữa hai bên.

Chuyến thăm thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát tốt bất đồng, cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực