Xác định rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam

Thứ sáu, 08/06/2018 17:08
(ĐCSVN) – Một số đại biểu cho rằng, cần xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về nhiệm vụ, tạo khoảng trống về trách nhiệm trên biển…

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, duy trì pháp luật trên biển trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo…

Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân”.

Về nội dung này, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ, bởi vì quy định như vậy sẽ dẫn đến ngộ nhận cảnh sát biển là một lực lượng nằm ngoài Bộ Quốc phòng và về nguyên tắc tổ chức của cảnh sát biển được hiểu tương đương với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mà thực chất cảnh sát biển chỉ là một lực lượng nhỏ trong lực lượng vũ trang và cần phải xác định rõ cảnh sát biển tương đương với cấp nào trong Bộ Quốc phòng?. Đồng thời cho rằng, việc quy định như dự thảo luật cũng chưa làm rõ được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trên cơ sở đó, cho rằng chỉ cần quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển để phân biệt với các lực lượng khác.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) bày tỏ lo ngại việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang sẽ tạo ra các tình huống nhạy cảm bởi: "Nếu chúng ta thể hiện trong luật như thế thì cộng đồng quốc tế sẽ cho rằng Việt Nam đang sử dụng lực lượng vũ trang vào các mối quan hệ trên biển".

Tranh luận với Nguyễn Phương Tuấn, ĐB Hồ Văn Thái (Kiên Giang) chỉ ra: Căn cứ theo các Nghị quyết, văn bản của Đảng và kế thừa Điều 2 Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành và chúng ta đã xác định, cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đã là trực thuộc Bộ Quốc phòng phải là lực lượng vũ trang. Thực tiễn 20 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự và an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa là rất phù hợp. Việc cảnh sát biển là lực lượng vũ trang để giải quyết các vấn đề trên biển không làm tăng nhạy cảm trong giải quyết các vấn đề dân sự trên biển.

“Quy định như dự thảo luật đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng sử dụng lực lượng thực thi pháp luật trên biển được vũ trang để quản lý, bảo vệ biển đảo của nhiều quốc gia trên thế giới”, ĐB Thái nói.

 

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại Hội trường.

Đồng quan điểm, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng với cảnh sát biển, khi có xung đột vũ trang hay các tình huống liên quan đến an ninh chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thì đây là lực lượng chấp pháp, thực thi. Vì thế, việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là phù hợp.

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), dự thảo Luật quy định nhiệm vụ còn dàn trải và chồng chéo với các lực lượng khác như: lực lượng của hải quân, bộ đội biên phòng, kiểm ngư, hải quan…

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị, cần tiếp tục rà soát để phân định rõ nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về nhiệm vụ, để lại khoảng trống về trách nhiệm trên biển, bởi vì mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác.

Giải trình thêm về nội dung này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ: "Quy định vị trí, chức năng của cảnh sát biển trong dự thảo luật nhằm thể chế Nghị quyết 09 ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển và Nghị quyết 28 ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển năm 2008 về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam"./.

 

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực