Xây nhà hát không ảnh hưởng tới việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm

Thứ tư, 17/10/2018 08:37
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: việc xây nhà hát sẽ không ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm. Mặc khác, việc xây dựng nhà hát này cũng là thực hiện theo quy hoạch và không tạo ra gánh nặng đối với kế hoạch xây dựng trường học, bệnh viện của Thành phố
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Sau 2 ngày làm việc, chiều 16/10, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 18 khóa X đã bế mạc, hoàn thành chương trình làm việc đề ra.

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung xem xét, đánh giá và thảo luận, cho ý kiến về 8 nội dung như chương trình làm việc đã đề ra, 5 nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội và 3 nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng đảng, kinh tế đảng.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong 3 tháng cuối năm

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, kinh tế của thành phố trong 9 tháng qua của năm 2018 cơ bản tiếp tục phát triển, đời sống văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Hội nghị đã hoàn thành các chương trình làm việc đề ra, thảo luận và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ một số hạn chế, trong đó công tác giải ngân đầu tư công còn thấp. Từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố chỉ mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công. Vì thế, giám đốc các sở và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần xem lại công tác chi đầu tư công.

Về nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2018, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đơn vị phải tập trung xây dựng nhiệm vụ cụ thể trong đợt thi đua 3 tháng cuối năm về cải cách hành chính; tập trung giải ngân đầu tư công; vận động người dân không xả rác xuống kênh rạch; chuẩn bị chăm lo tết, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tổ chức diễn đàn kinh tế TP.Hồ Chí Minh, hàng quý gặp gỡ đối thoại giữa nhà nước, doanh nghiệp ,với các nhà khoa học.

Xử lý kịp thời cán bộ sai phạm

Tại buổi bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin kết quả thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, việc tiếp thu xử lý thông tin trong quý 3/2018 đã nhiều hơn hẳn so với các quý trước (846 tin phản ánh so với hai quý trước cộng lại là 477 tin). Về phía Đảng có 40 cán bộ bị xử lý so với 19 cán bộ ở hai quý đầu năm. Về phía chính quyền, xử lý 65 công chức so với hai quý trước chỉ có 28 công chức. Điều này cho thấy Quy định 1374 đã có tác dụng xử lý kịp thời các cán bộ vi phạm.

Trong số 59 đảng viên bị xử lý trong ba quý đầu năm, có 1 đảng viên bị khai trừ, 3 đảng viên bị cách chức, 8 đảng viên bị cảnh cáo và khiển trách 47 đảng viên. Về phía chính quyền, trong số 93 công chức bị xử lý có 2 người buộc thôi việc, cách chức 10 người, cảnh cáo 20 người và khiển trách 60 người.

Xây nhà hát không ảnh hưởng tới việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm

Trong buổi bế mạc chiều nay, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã dành một lượng thời gian khá dài để đề cập đến dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với kinh phí dự kiến là 1.500 tỷ đồng. Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh khẳng định việc thực hiện dự án sẽ không ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm. Mặc khác, việc xây dựng nhà hát này cũng là thực hiện theo quy hoạch và không tạo ra gánh nặng đối với kế hoạch xây dựng trường học, bệnh viện của Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, trước khi UBND TP.Hồ Chí Minh trình dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), đã có các đợt khảo sát về dự án. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được chuyển tải đầy đủ nên khi dự án được HĐND TP.Hồ Chí Minh thông qua vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn. Người dân cũng đặt vấn đề tiền bồi thường cho người dân Thủ Thiêm còn chưa có thì lấy tiền đâu để xây dựng nhà hát trị giá 1.500 tỷ đồng?

Bí thư Thành ủy cho biết, việc bồi thường, giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm hiện nay, UBND Thành phố đang xây dựng 11 giải pháp, trong đó có việc gặp người dân để trao đổi, tìm sự đồng thuận rồi ban hành giải pháp triển khai thực hiện. Ngoài ra, tiền bồi thường cho người dân được dùng từ nguồn ngân sách, trong khi đó, tiền đầu tư cho nhà hát là từ nguồn khác, hai cơ chế khác nhau.

“Đảm bảo không vì nhà hát mà thiếu tiền bồi thường cho người dân”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Nhà hát này xây dựng sẽ phục vụ ai? đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đưa ra thông tin là hơn 100 năm trước người Pháp xây dựng Nhà hát Thành phố khi dân số ở đây ước khoảng 100.000 dân để bây giờ người dân vẫn sử dụng được. Còn bây giờ Thành phố có hơn 10 triệu dân trong đó có 5 triệu lao động, trong đó có 30% lao động có trình độ đại học, cao đẳng, cao gấp 3 lần bình quân cả nước, 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở đây… Cho nên việc xây dựng nhà hát bên cạnh để thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của người dân thì đây còn là nơi đào tạo nhạc giao hưởng, opera, nơi giao lưu quốc tế. Bên cạnh đó, nếu nhà hát này có thiết kế tốt, âm thanh tốt, sân khấu rộng, thì ngoài việc phục vụ cho giao hưởng, opera, múa ba-lê còn để tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ bình thường hay các sinh hoạt cộng đồng lớn, buổi mít tinh ...

Về việc, nhà hát có nằm trong quy hoạch hay không, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trả lời Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.Hồ Chí Minh từ 2011 - 2015 có 7 công trình trọng điểm, trong đó có nhà hát này. Chưa kể nhiều kỳ đại hội đều nhắc phải xây dựng nhiều công trình tiêu biểu trong đó có nhà hát. Lẽ ra nhà hát này phải xong từ năm 2015.

Về lý do tại sao chọn Thủ Thiêm để xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, vị trí này là thực hiện theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban đầu, TP.Hồ Chí Minh dự định đặt nhà hát tại Công viên 23-9, nhưng do nơi đây thường xuyên xảy ra kẹt xe, lại là công viên của người dân. Do đó, Thành phố quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm.

Trong khi đó, ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có các công trình như trung tâm triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm tài chính và mới đây Thành phố đề nghị xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại đây tạo sự tương thích về quy hoạch.

Phải nhìn tổng thể của các kế hoạch để thấy rằng xây nhà hát là điều nên làm và việc lựa chọn Thủ Thiêm là sự lựa chọn phù hợp với không gian chung cho sự phát triển tổng hoà quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP.Hồ Chí Minh trong tương lai.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, việc đầu tư nhà hát này sẽ không gây ra gánh nặng, làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của TP.Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận xét, kinh phí xây dựng nhà hát là số tiền không nhỏ. Song, TP.Hồ Chí Minh đã có kế hoạch trong nhiều năm qua cho nó và không phải không quan tâm xây dựng trường học, bệnh viện.

Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, qua vụ việc này cần rút ra nhiều bài học, nhất là việc chủ động thông tin đầy đủ cho người dân.

Tin, ảnh:V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực