Huy động mọi nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình nhanh, bền vững

Thứ năm, 17/09/2015 17:52

(ĐCSVN) - Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra từ ngày 14-16/9, các đại biểu dự Đại hội đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, đánh giá toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội đồng thời cũng nêu ra một số ý kiến góp ý vào Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.

Khai thác thế mạnh tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội

 

 Bí thư Huyện ủy Cao Phong Võ Ngọc Kiên phát biểu tham luận

Tham luận tại Đại hội về chủ đề “Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Cao Phong trở thành huyện phát triển khá của tỉnh”, Bí thư Huyện ủy Cao Phong Võ Ngọc Kiên cho biết: Xác định là cây ăn quả có múi và cây mía là chủ lực, theo đó huyện đã tập trung quy hoạch và từng bước mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao, giữ ổn định trên 2.500ha mía và gần 1.600ha cây ăn quả có múi. Sản phẩm cam và mía tím đã được cấp chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, từng bước khẳng định thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.

Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trọng tâm là cây có múi và cây công nghiệp, Bí thư Huyện ủy Cao Phong đã đề ra 7 nhóm giải pháp để đưa huyện Cao Phong phát triển khá, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt đối với sản phẩm cam Cao Phong theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể như ứng dụng công nghệ sinh học, thiết bị, nhà xưởng; quan tâm đặc biệt đến công tác tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ thương hiệu cam đã được công bố chỉ dẫn địa lý; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất; dành quỹ đất thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao. Tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho sản xuất cây ăn quả có múi, đẩy mạnh việc ứng dụng quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VIETGAP để đảm bảo chất lượng, uy tín của sản phẩm.

Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

 Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Thắng


Hiện, tỉnh Hòa Bình có trên 6.200 km đường giao thông các loại, so với năm 2010 tăng trên 20%. Chất lượng mặt đường được nâng lên. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp kỹ thuật còn thấp. Công trình vượt sông, suối lớn còn thiếu, quy mô chưa phù hợp quy hoạch, đi lại còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Thắng, kết cấu hạ tầng giao thông là bộ phận quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần được ưu tiên đầu tư phát triển và đi trước một bước. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hòa Bình đề xuất trong thời gian tới cần xác định rõ việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là của toàn xã hội, không riêng ngành giao thông vận tải; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông – vận tải cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước và điều kiện thực tế của tỉnh. Xây dựng hạ tầng giao thông trên cơ sở quy hoạch, có bước đi, lộ trình thích hợp, tính đến thứ tự ưu tiên, theo khả năng vốn, không đầu tư dàn trải. Chú trọng quản lý chất lượng xây dựng, tiến độ thực hiện các dự án giao thông, không để thất thoát vốn.

Đặc biệt, cần mở rộng xã hội hóa trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu để phát huy hiệu quả đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến các khâu trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quyết liệt, minh bạch trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng…

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

 

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Trần Văn Tiệp

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Trần Văn Tiệp, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp Hòa Bình tương đối cao và ổn định, bình quân đạt 4,06%/năm. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển biến tích cực, sản xuất từng bước gắn với chế biến và thị trường, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chủ yếu dựa vào thâm dụng tài nguyên đất, rừng, nguồn nước...; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa đồng đều, tổ chức sản xuất chậm đổi mới, ô nhiễm và nguy cơ suy thoái môi trường ngày càng tăng; nhận thức của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ cho lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập...

Để góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra và đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, đồng chí Trần Văn Tiệp đề xuất cần thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời phải gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp Hòa Bình thực hiện tái cơ cấu, tập trung đổi mới, tổ chức lại sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; hình thành vùng chuyên canh cây có múi, vùng sản xuất rau an toàn; đầu tư phát triển chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp thị xây dựng thương hiệu.

Phát huy lợi thế cạnh tranh, áp dụng các công nghệ sản xuất mới trong việc chăn nuôi sản phẩm đặc sản, bản địa, các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, thu hút cán bộ trẻ có tri thức về công tác tại địa bàn nông thôn; đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ ngành Nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.

Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế tỉnh Hòa Bình vẫn giữ mức tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 9,1%, đây là một kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; môi trường đầu tư của tỉnh chưa hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa ổn định, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa được đồng bộ; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn khó khăn…

 

 Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh

Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu từ vào tỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh cho rằng: Hòa Bình cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Tiến hành ngay việc sửa đổi các chính sách đã ban hành liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; tăng cường sự trợ giúp pháp lý, tạo sự cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp.

Tạo điều kiện tốt nhất để giảm chi phí gia nhập thị trường như rút ngắn hơn nữa thời gian đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, cấp điện sản xuất, kê khai, nộp thuế và các thủ tục khác; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, tạo điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử và tin học hóa trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai....

Đồng thời, tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp hằng tháng, cử lãnh đạo và cán bộ có năng lực tham dự để trực tiếp hướng dẫn, trả lời cho doanh nghiệp. Cùng với đó, đào tạo lao động theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chủ động làm việc với các doanh nghiệp để có thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động để có định hướng cho các đơn vị đào tạo.../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực