Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Thứ năm, 12/12/2019 17:11
(ĐCSVN) - Bạn đọc Trần Thu Hà ở huyện Đông Hưng (Thái Bình) hỏi: Người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm ra sao trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân? Thời gian tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy được quy định như thế nào?

Trả lời:

leftcenterrightdel
Người đứng đầu cấp ủy cần thực hiện nghiêm quy định về tiếp dân. (Ảnh: MT) 

Nội dung câu hỏi của bạn Trần Thu Hà được nêu rõ tại Điều 3, Điều 4 - Quy định số: 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Cụ thể:

Điều 3. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân

1. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cấp trên trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.

2. Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền.

3. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.

4. Ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phân công một cơ quan, đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo và theo dõi, tổng hợp, tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân trên địa bàn; bố trí địa điểm, điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết, thuận lợi cho người dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

5. Chỉ đạo, hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân; bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

6. Thông báo thời gian, địa điểm tiếp dân trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức (nếu có) và trụ sở làm việc của người đứng đầu cấp ủy hoặc địa điểm tiếp dân.

7. Định kỳ quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất trực tiếp làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình, kết quả công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.

8. Định kỳ hằng tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình, kết quả tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân như sau:

a) Bí thư cấp ủy cấp tỉnh báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương.

b) Bí thư cấp ủy cấp huyện báo cáo với bí thư cấp ủy cấp tỉnh, ban nội chính, ban dân vận cấp ủy cấp tỉnh.

c) Bí thư cấp ủy cấp xã báo cáo với bí thư và ban dân vận cấp ủy cấp huyện.

Điều 4. Thời gian tiếp dân

1. Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ như sau:

a) Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.

b) Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.

2. Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất trong các trường hợp sau:

a) Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau.

b) Vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Ban Bạn đọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực