Thái Bình nỗ lực “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển

Chủ nhật, 03/11/2019 20:53
(ĐCSVN) - Vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hoá lớn ở nước ta đã được Đại hội XI, XII của Đảng nêu ra và chỉ đạo đưa vào thực tiễn. Thực hiện chủ trương của Đảng, việc tích tụ, tập trung ruộng đất đã được Thái Bình triển khai mạnh mẽ, đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ.

 

Nông dân phun phân sinh học Bồ Đề 688 dạng lỏng chăm sóc vùng chuyên canh trồng
ớt tại huyện Thái Thuỵ - Thái Bình (Ảnh: Đặng Hiếu)


Thực tiễn cho thấy, Thái Bình là một tỉnh thuần nông ven biển ở đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Do vậy, vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất ở Thái Bình được triển khai thực hiện theo nhiều lĩnh vực, như tích tụ, tập trung ruộng đất lĩnh vực trồng trọt; tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển thuỷ sản; tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển chăn nuôi. Theo đó, với 17.126,68 ha đất tích tụ, tập trung ruộng đất được quy hoạch để sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, thì lĩnh vực trồng trọt có 2.978,2 ha; lĩnh vực chăn nuôi có 432,8 ha; và lĩnh vực thuỷ sản là 2.937,68 ha. Nhờ đó, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của Thái Bình đã có nhiều đổi mới; đã và đang xuất hiện các mô hình tổ chức sản xuất mới, như: mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp để sản xuất hàng hoá quy mô lớn; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản); mô hình tổ hợp tác kiểu mới; các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng, làng, xã,…

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, điểm nổi bật trong tích tụ, tập trung ruộng đất đó là sự thay đổi về mô hình sản xuất. Thái Bình đã thực hiện chuyển đổi 100% các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2012; sự chuyển đổi này đã từng bước ổn định, chất lượng hoạt động các dịch vụ được nâng cao; các liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 324 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản. Năm 2018, Thái Bình cũng đã thành lập mới 1 Liên hiệp hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp (đây là mô hình liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có 4 hợp tác xã thành viên, với tổng số lao động là 3.000 người, vốn điều lệ 1,3 tỷ đồng).

Theo số liệu của UBND tỉnh Thái Bình, hiện nay, tổng số hộ thành viên hợp tác xã là 413.566 hộ; bình quân mỗi hợp tác xã có khoảng 1.280 hộ thành viên. Tổng doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã là 1,441 tỷ đồng; tổng vốn kinh doanh đạt 925.270 triệu đồng; bình quân lãi 1 hợp tác xã là 81,56 triệu đồng. Thái Bình hiện có 236 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, thiết thực. Nhìn chung, qua mô hình liên kết, các hợp tác xã đã tiếp thu được tiến bộ khoa học mới, việc chỉ đạo sản xuất được tập trung, đồng bộ theo quy trình chuẩn, nên đã nâng cao được giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Chẳng hạn, với tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm là 10.778 ha sản xuất lúa giống, lúa Nhật, lúa chất lượng cao, cây màu, các hộ nông dân đã nâng cao năng suất tăng từ 5-10%, giá bán tăng từ 5-30%, chi phí giảm từ 5-10% so với sản xuất và tiêu thụ theo cách truyền thống.

Về cơ bản, trong những năm qua, các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong tỉnh đã khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình tổ hợp tác cũng được Thái Bình quan tâm triển khai thực hiện. Hiện, Thái Bình đã xây dựng được 51 tổ hợp tác, trong đó có 31 tổ hợp tác khai thác hải sản, 20 tổ hợp tác chăn nuôi. Nhìn chung, các tổ hợp tác đã phát huy được vai trò giúp đỡ, hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, thức ăn chăn nuôi, nhân lực và công cụ sản xuất của các thành viên. Đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, như Tổ hợp tác sản xuất, ấp nở gia cầm giống Thoa Tuyết với 35 hộ thành viên, quy mô chăn nuôi thường xuyên 100.000 gà ri lai sinh sản và ấp nở, sản xuất 2,4 triệu con gà giống/năm; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Hoặc, với 31 tổ đội khai thác hải sản xa bờ cho đội tàu vùng lộng và vùng khơi (mỗi tổ từ 6-10 tàu) đã hỗ trợ nhau, liên kết, liên doanh gắn với các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, dịch vụ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đã phát huy được sức mạnh tập thể, giúp đỡ, bảo vệ nhau khi bị tàu cá nước ngoài lấn át, tấn công khi hoạt động trên biển, góp phần bảo đảm an ninh, tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên biển, tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc…

Nỗ lực tạo đột phá trong tích tụ, tập trung ruộng đất

Để tiếp tục thực hiện “Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm” theo tinh thần Đại hội lần thứ XII của Đảng, Thái Bình đã xác định thời gian tới địa phương tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp có giá trị cao cho các vùng theo hướng đột phá về quy mô tích tụ, tập trung ruộng đất; có công nghệ tiên tiến và tổ chức sản xuất hiện đại. Hình thành được một số mô hình nông nghiệp theo hình thức quản lý công nghiệp, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường công nghiệp chế biến sâu. Tăng cường ứng dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, quy trình sản xuất tốt GlobalGAP, VietGAP…, sản xuất an toàn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục thúc đẩy quá trình thuê hoặc góp đất trong sản xuất nông nghiệp giữa các hộ sản xuất và các doanh nghiệp; kết nối hộ nông dân trong những tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới; liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào xây dựng các vùng chuyên canh liên kết với hộ nông dân để hình thành những chuỗi giá trị, liên kết lâu dài.

Chú trọng phát triển kinh tế hộ theo hướng kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn. Tạo điều kiện cho hộ nông dân dồn điền đổi thửa, cho thuê đất, tích tụ, tập trung ruộng đất. Đưa sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản tập trung ra khỏi vùng dân cư; hình thành các vùng chuyên canh hàng hoá, các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên cơ sở tạo sự đột phá về khâu giống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sát với điều kiện từng mùa vụ.

Củng cố, hoàn thiện hợp tác xã nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, khuyến khích tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã chuyên ngành, chuyên lĩnh vực để thu hút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân…

 

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực