Đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Thứ bảy, 14/12/2019 23:54
(ĐCSVN) – Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và đã được chỉ đạo cụ thể tại Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, tiếp đó là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Ngày 13/12/2019, tại Quảng Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Phương cùng đại điện các Bộ, ngành, địa phương, đại diễn Quỹ IFAD. Tham dự Hội nghị còn có đại diện của các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh thuộc khu vực phía Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu có mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: MPI) 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và đã được chỉ đạo cụ thể tại Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, tiếp đó là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Để tiếp tục hoàn thiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, càng khẳng định quyết tâm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP với một số quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư. Đây là cách làm đã được khẳng định tính hợp lý, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP trước đây.

Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm được 03 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, quy hoạch và thẩm định thiết kế cơ sở), giảm 01 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, 01 thủ tục về thẩm tra công nghệ. Các thủ tục còn lại được lồng ghép, vừa thi công vừa hoàn thiện. Cụ thể hồ sơ, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Về hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất cho các dự án nông nghiệp phù hợp với Luật đất đai 2013. Hỗ trợ về tín dụng đầu tư là trao quyền cho các địa phương để ban hành chính sách tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, căn cứ khả năng ngân sách địa phương để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay thương mại, các công trình của dự án được tính làm tài sản thế chấp để vay vốn. Đồng thời, hỗ trợ mạnh cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP). Hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, hỗ trợ đầu tư một số kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công như hỗ trợ đầu tư nước sạch, xử lý môi trường nông thôn, đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá,...

Về quy định mức vốn nhà nước hằng năm bố trí thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ở mức tối thiểu 5% vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định 57/2018/NĐ-CP đến nay vẫn còn một số hạn chế làm giảm hiệu quả của chính sách. Về việc ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương: Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay sau hơn một năm Nghị định có hiệu lực, hệ thống văn bản hướng dẫn cấp trung ương đã cơ bản đầy đủ. Ở cấp địa phương, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh ban hành 05 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình.

Nhìn chung, việc ban hành các văn bản hướng dẫn đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ, chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, chưa tỉnh nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, 04/63 tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư, 05/63 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và 06/63 tỉnh ban hành định mức hỗ trợ chi tiết.

Ngoài ra, việc thiếu nguồn vốn để thực hiện cũng làm giảm hiệu quả của chính sách. Đây cũng là bất cập chung của một số chính sách được ban hành thời gian qua.

Ngày 17/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị này để đánh giá tình hình triển khai Nghị định, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và thực hiện các văn bản hướng dẫn ở cả cấp trung ương và địa phương,

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, tìm kiếm các giải pháp để hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI) 

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, kể từ khi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP được ban hành đã nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đây là lĩnh vực Việt Nam có rất nhiều lợi thế nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị định này cho thấy vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến phải ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Thực tế, sau hơn một năm thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP cho thấy vẫn còn những vướng mắc trong triển khai, dẫn đến doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế với những lý do khách quan và chủ quan khác nhau. Chính vì vậy, ông Lê Trí Thanh mong muốn thông qua Hội nghị này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại hạn chế thuộc các ngành, địa phương khác trong việc triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Qua đó, đưa ra các đề xuất giải pháp phù hợp để tiếp tục khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Vụ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những kết quả đạt được trong quá trình hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định này, từ đó đưa ra định hướng, một số giải pháp để triển khai Nghị định trong thời gian tới.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Báo cáo đưa ra các kiến nghị, giải pháp đối các Bộ, ngành Trung ương. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành tiêu chuẩn bò thịt, bò sữa và tiêu chí dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Công Thương ban hành bổ sung Danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ sản xuất theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 8, Nghị định 57 về quy định các công trình trên đất được làm tài sản thế chấp vay vốn.

Về phía địa phương, cần khẩn trương ban hành 05 chính sách đã được giao tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP, đây là các hướng dẫn quan trọng, đảm bảo khi có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có thể giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế hiện nay mới chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 57/2018/NĐ-CP tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cùng với đó là phát hành các thông tin về chính sách hỗ trợ tới cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Theo Báo cáo, tính đến nay, các địa phương đã rà soát và đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho 582 dự án nông nghiệp, nông thôn là 4.506 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 3.830 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 676 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư các dự án là 80.803 tỷ đồng thì mức vốn nhà nước hỗ trợ các dự án chỉ bằng khoảng 5,6% tổng mức đầu tư dự án.

Được biết, để hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sớm đưa Nghị định 57/2018/NĐ-CP vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.200 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019./.

 

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực