Khắc phục “điểm nghẽn” trong phát triển ở Việt Nam

Chủ nhật, 15/12/2019 00:08
(ĐCSVN) - Mới đây, với tư cách là cơ quan thường trực Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế-xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức phiên họp với các chuyên gia của nhóm công tác các đối tác phát triển góp ý cho văn kiện của Đại hội về nội dung kinh tế - xã hội.
leftcenterrightdel
 Kinh tế biển đang được chọn là một trong những trọng tâm phát triển của Việt Nam hiện nay (Ảnh: PV)

Đây là hoạt động của Hội thảo khoa học giữa Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế - xã hội (KT-XH), đại diện các bộ, ngành liên quan và Hội đồng Lý luận Trung ương với nhóm đối tác phát triển (DPG) về các văn bản và khuyến nghị chính sách của DPG đóng góp cho xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho những khuyến nghị chính sách cho xây dựng chiến lược phát triển KT-XH Việt Nam thời kỳ 2021-2030, gồm các vấn đề: Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn; các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với bối cảnh Việt Nam; tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam; vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; Nguồn vốn con người và phát triển xã hội…

Theo đó, khẳng định kể từ thời kỳ đầu của Đổi mới, Việt Nam đã khởi xướng nhiều cải cách quan trọng để xây dựng một Nhà nước hiệu quả hơn và những cải cách này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, các chuyên gia DPG cho rằng cấu trúc các thể chế và quản trị hiện tại của Việt Nam đang có những thiếu sót có thể cản trở sự phát triển trong tương lai.

Các chuyên gia DPG đã chỉ rõ, sáu “điểm nghẽn” lớn nhất của Việt Nam hiện nay là: Tính minh bạch không đầy đủ và trách nhiệm giải trình yếu; Tham nhũng vẫn được xem là tràn lan; Quy trình lập pháp còn rườm rà và thiếu sự tham vấn công chúng đầy đủ; Thách thức trong việc đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người dân; Năng lực của chính quyền và bộ máy hành chính còn yếu trong khi khâu điều phối liên bộ, ngành chưa đủ; Thiếu sự tiên lượng, khả năng thích ứng và sự lanh lẹ kịp thời.

Từ những hạn chế đó, nhóm công tác khuyến nghị Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan và công chức nhà nước. Đồng thời, cần thúc đẩy sự tham gia của công chúng, nâng cao hiệu quả của Chính phủ, bao gồm thúc đẩy cải cách hành chính. Đặc biệt, Việt Nam cần chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển dịch theo hướng mô hình quản trị nhà nước tiên lượng.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế  hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Ảnh: MPI)

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện các ý kiến để làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, xây dựng chính sách. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay, sau 1 năm, tổ biên tập cùng với các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu đã làm việc với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể để cùng tham gia xây dựng Chiến lược kế hoạch phát triển KT-XH đất nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng khẳng định, đây là thời điểm hết sức quan trọng đối với đất nước và cũng là dịp để thực hiện tổng kết, đánh giá một cách tỉ mỉ, thận trọng nhằm đưa ra con đường đi, bước phát triển mới mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản để phát triển nhanh, bền vững hơn, nâng cao tính độc lập, tự chủ nhiều hơn cũng như nâng cao tính chống chịu và thích ứng. Do đó, từ các ý kiến đóng góp, đặc biệt là các ý kiến từ Hội thảo này, Bộ sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện để làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, xây dựng chính sách./.

 

HNV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực