Bài 2: Kinh nghiệm nào lựa chọn cán bộ nhìn từ các vụ cán bộ bị kỷ luật?

Chủ nhật, 16/12/2018 17:14
(ĐCSVN) - Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, “không có vùng cấm” của Đảng thể hiện rất rõ trong năm 2018 khi hàng loạt cán bộ "nhúng chàm" bị xử lý nghiêm minh. Đây cũng chính là bài học cho việc lựa chọn cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng.

Giải pháp nào xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng tầm?


2 năm gần đây, đã có 13 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và có 1 Ủy viên Bộ Chính trị
bị xử lý kỷ luật. (Ảnh:TH)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đảng ta luôn xác định, công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là then chốt của mọi then chốt. Điều ấy càng có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ cấp chiến lược, bởi họ là những người trực tiếp xây dựng, vừa tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hơn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, đội ngũ cán bộ các cấp đã trưởng thành về nhiều mặt. Trong đó, hầu hết cán bộ cấp chiến lược đều được đào tạo bài bản, gần 70% số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên, có năng lực công tác tốt, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sáng…

Tuy nhiên, cũng có một thực tế đáng buồn là trong thời gian vừa qua, chưa bao giờ, số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật, trong đó có cả các cán bộ do Trung ương quản lý lại nhiều đến như vậy. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra con số khiến chúng ta giật mình: Đó là chỉ trong 2 năm gần đây, cấp ủy và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có một số đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái. Trong đó, đáng chú ý đã có 59 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị xử lý, kỷ luật trong đó có 13 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và có 1 Ủy viên Bộ Chính trị.

Nếu so với năm 2017, thì năm 2018, có thể thấy số cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật nhiều hơn và ở diện rộng hơn. Trong đó có rất nhiều cán bộ ở các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt hàng loạt tướng lĩnh trong ngành Công an, Quân đội - ngành mà lâu nay dư luận vẫn nghi ngại về một “vùng cấm” đã bị đưa ra xử lý kỷ luật. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có hơn 10 tướng lĩnh ngành Công an, Quân đội bị xử lý kỷ luật và hầu Tòa.

Có thể thấy, việc xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã được làm một cách thận trọng, bài bản, rõ đến từng cá nhân vi phạm, không còn là “lỗi của tập thể”, đặc biệt là công khai trước dư luận, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, đúng người, đúng tội.

Phân tích về thực trạng vi phạm kỷ luật Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, những sai phạm của những cán bộ này không phải bây giờ mới xảy ra mà là do tích tụ trong cả một quá trình dài. Nguyên nhân chính là chúng ta đã có phần buông lỏng việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý. Qua các vụ việc đó đưa đến bài học sâu sắc trong công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Sau mỗi lần kỷ luật cán bộ, chúng ta đều nhìn lại công tác quy hoạch và quy trình bổ nhiệm. Quy hoạch chưa tốt chắc chắn sẽ để lọt vào bộ máy những “con lươn”, “con chạch” như Tổng Bí thư đã từng trăn trở. Quy trình đầy đủ, chặt chẽ nhưng khi người vận hành quy trình cố tình làm sai, bóp méo cũng sẽ để lọt vào bộ máy những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất.

Chính vì vậy, có thể nói công tác nhân sự là vấn đề mấu chốt, hệ trọng tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra. Bởi đây chính là tiền đề cho việc lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ nêu trên và để lựa chọn được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng tầm trong thời gian tới, theo nhiều lãnh đạo, chuyên gia, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta phải tập trung một hệ thống các giải pháp từ xây dựng quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; xây dựng các quy chế về công tác cán bộ, trong đó có đánh giá cán bộ, tuyển chọn cán bộ, bầu cử, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ, luân chuyển cán bộ; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ đến đổi mới và chỉnh đốn tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ… Trong các giải pháp đó cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, trước Đại hội XIII đang cận kề, chúng ta phải chọn được đội ngũ cán bộ có tâm và đúng tầm. Trong đó, tâm phải đi đôi với tài. Bởi tâm niệm của người cán bộ là sự nghiệp của chính mình, là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Đặc biệt, ngoài việc chúng ta phải giới thiệu nhân sự một cách khoa học, bài bản, công phu, kỹ lưỡng, tiêu chuẩn rõ ràng, quy trình chặt chẽ thì đòi hỏi công tác tổ chức phải nâng tầm, với con mắt nhìn dài, xa, với các kênh khác nhau trong đánh giá cán bộ, từ đó mới chọn được những người xứng đáng nhất đưa vào quy hoạch. Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ không có chuyện “xếp hàng”, chen chỗ, chen chân, mà sẽ có những “đột phá” để chọn bằng được những cán bộ trẻ tài đức thật sự.

Cùng với những bước đi đang tiến hành và những quy định, quy chế được ban hành trong năm 2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 07 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương; Quy định 102 về xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm… Cùng nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định khác đã được ban hành, mỗi chúng ta có quyền kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực