Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân

Thứ sáu, 11/10/2019 17:13
(ĐCSVN) - Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng những khẳng định của Bác Hồ về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước và lời kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân mau mau đem vốn vào làm những công cuộc ích nước, lợi dân của Bác vẫn còn nguyên giá trị.

Đó là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trong buổi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trước thềm ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13/10.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: M.P)

“Doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước"

Phóng viên (PV): Là người am hiểu và gắn bó với doanh nghiệp, ông nhận định thế nào vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam?

Ông Vũ Tiến Lộc: 74 năm về trước, ngay sau ngày đất nước giành độc lập, ngày 13/10/1945, khi nghe tin các công thương gia nhóm họp, thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Bác chỉ rõ: Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Bác kêu gọi các nhà công thương nghiệp hãy “mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm công cuộc ích nước, lợi dân".

Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng những khẳng định của Bác về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước và lời kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân mau mau đem vốn vào làm những công cuộc ích nước, lợi dân… vẫn còn nguyên giá trị.

Theo đề nghị của Chủ tịch VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm - ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương - làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng có thể coi là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới.

Các doanh nhân Việt Nam có lẽ là đội ngũ được đón nhận bức thư cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Đại tướng trở về với “Đất Mẹ”. Trong bức thư này, Đại tướng khẳng định: “Thời kì đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò “nhạc trưởng” tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 17/12/2011, đã tới thăm, làm việc tại VCCI và gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Tại buổi gặp, Tổng bí thư đã nhấn mạnh: Lần đầu tiên có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các ý kiến của các đại biểu đưa ra đều thấy nội dung của Nghị quyết đã phản ánh đúng tâm tư và nguyện vọng của chính các doanh nhân. Nhưng điều quan trọng sắp tới là chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết này.

Gần đây, trong bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII cũng đã nhấn mạnh: "Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân".

Qua đây có thể thấy, trên chặng đường phát triển, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn được sự quan tâm, đồng hành đặc biệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.  Điều này càng khẳng định được vai trò vai trò và sứ mệnh cũng như trọng trách quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước.

Hành trình 15 năm và xa hơn là hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân Việt - những người lính thời bình - đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói; và hôm nay, đang đứng trước sứ mệnh của đội quân xung kích xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai các cường quốc năm châu.

Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.

PV: Thưa ông“cuộc đồng hành” của doanh nghiệp, doanh nhân trên từng bước đi lên của đất nước được thực hiện ra sao?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thực tế, từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình”. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này.

Doanh nhân cần chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuộc vận động: “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phát động và các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế với Đảng và Nhà nước.

Hưởng ứng cuộc vận động này, VCCI đã đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp triển khai phong trào “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân 1 sáng kiến” để góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cấp mình và chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để phát triển bền vững và cạnh tranh thắng lợi vì “màu cờ, sắc áo Việt Nam”.

Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành. Doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo.

“Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” phải là mục tiêu, là đích đến của mỗi doanh nhân
(Ảnh: M.P)

Khi “Tổ quốc gọi tên mình”...

PV: Theo ông, trong thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ làm gì để đáp ứng tương xứng yêu cầu đổi mới – sáng tạo?

Ông Vũ Tiến Lộc: Hơn 3 thập kỷ qua, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới - lứa doanh nhân dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Giờ đây, trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường thuộc về lứa doanh nhân khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là yêu cầu của các doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu của các doanh nghiệp đã trưởng thành với những mái đầu doanh nhân đã không còn xanh nữa. Mãi mãi khởi nghiệp là tinh thần của các doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.

Chúng tôi hy vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2, tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo

Vì một Việt Nam hùng cường, ngay hôm nay, chúng ta cần định hình diện mạo của đội ngũ doanh nhân Việt cho chặng đường 25-30 năm tới, khuyến nghị chính sách và hành trang cần có của các doanh nhân. Khi “Tổ quốc gọi tên mình”, mỗi doanh nhân hãy góp phần làm giàu cho đất nước, không chỉ bằng lòng với “giấc mơ nho nhỏ” riêng cho gia đình mình và doanh nghiệp mình. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” (theo cách nói của Bác Hồ) phải là mục tiêu, là đích đến của mỗi doanh nhân.

PV: Và doanh nghiệp, doanh nhân sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu trên con đường hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh. Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường. Nếu từ góc nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: Xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình  trong tương quan so sánh với ASEAN. Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi.

Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng trung bình. Công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so các nước trong khu vực. Vì vậy, nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế Thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Điều phản ánh nỗ lực bền bỉ của chúng ta.  Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hài lòng vớt kết quả trên. Bởi vì  tuy có sự cải thiện nhanh, nhưng năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững và mang lại sự thịnh vượng.

Trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là "hai đường ray" chính. Doanh nghiệp phát triển phải hiệu quả, phải nhân văn, phải vì cộng đồng, phải thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực. Nói một cách hình tượng thì với các doanh nghiệp của thời đại mới: “Phát triển bền vững ở trong tim” và “đổi mới, sáng tạo ở trên đầu”. Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này, bất kể là doanh nghiệp thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, doanh nghiệp lớn mà “ăn xổi, ở thì” sẽ thất bại.

Phát huy tinh thần dân tộc quật cường, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hôm nay lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình”, quyết đem tất cả trái tim và khối óc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường, như Bác Hồ hằng mong mỏi. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, thịnh vượng là con đường mang lại hạnh phúc cho nhân dân, và thịnh vượng cũng là cội nguồn của sức mạnh trong thời hội nhập, là vũ khí để bảo vệ vững chắc hòa bình và chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam thân yêu. /.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực