Loạn hoa hậu: Chuyện cũ chưa hồi kết!

Thứ bảy, 02/12/2017 17:28
(ĐCSVN) – Câu chuyện “bội thực” các cuộc thi sắc đẹp, hay vô số hoa hậu đăng quang có vấn đề về nhan sắc, ứng xử chưa thuyết phục... không còn là chuyện mới. Chỉ không biết, đến bao giờ câu chuyện cũ ấy có hồi kết, khi chưa mạnh tay giải quyết được những bất cập trong khâu quản lý.

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, trong năm 2017, Cục này chỉ cấp phép cho bốn cuộc thi, ở tầm quốc gia (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại dương) và quốc tế (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Hữu nghị ASEAN). Nếu căn cứ theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP (Đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá hai lần. Đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định) thì số lượng đó là trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trong Nghị định 79 còn có quy định cho phép tổ chức thi các cuộc thi người đẹp khác, căn cứ theo mục đích, ý nghĩa, tiêu chí mà ban tổ chức đặt tên cho phù hợp. Những cuộc thi như vậy vốn được xếp vào nhóm “cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể trung ương”, được quy định cụ thể “mỗi năm tổ chức không quá ba lần”, còn mỗi tỉnh được tổ chức 1 cuộc trong năm. Nhìn vào quy định này có thể thấy, nếu tất cả các tỉnh thành trong cả nước đồng loạt tổ chức các cuộc thi nhan sắc cũng đủ… “bội thực”, chứ chưa nói gì đến các vương miện và danh hiệu được từ cộng đồng người Việt hải ngoại. Đó là lý do mà mỗi năm công chúng liên tiếp chứng kiến các người đẹp đăng quang hết danh hiệu này đến danh hiệu khác, đôi khi cứ na ná, trùng lắp nhau, chẳng thể nào phân biệt.

Nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp được tổ chức nhưng hoạt động như một bức tranh lộn xộn, bởi khâu tổ chức vừa thiếu “tâm” vừa thiếu “tầm”. Có thể thấy, trong vô số các cuộc thi sắc đẹp, số có thâm niên lâu năm như Báo Tiền phong với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là không có. Hầu hết các cuộc thi chỉ có vài năm kinh nghiệm, lại không chuyên sâu vào riêng một lĩnh vực. Trên thực tế, một số đơn vị không đủ khả năng tổ chức thi hoa hậu - cả về uy tín lẫn tiềm lực kinh tế - xin giấy phép tổ chức thi hoa hậu đã làm ảnh hưởng tới danh tiếng cuộc thi. Do tổ chức thiếu chuyên nghiệp từ việc lựa chọn thí sinh đến Ban giám khảo, nên nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã không chọn lựa được ngôi vị xứng đáng, làm bùng lên nhiều tranh cãi trong dư luận.

Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 bị xử phạt
ngay sau khi Cuộc thi kết thúc (Ảnh: vov.vn)

Hơn nữa, với kinh phí đa phần nhờ vận động tài trợ - xã hội hoá, các cuộc thi sắc đẹp bị thương mại hóa và đang dần trở thành một sân chơi của các thương hiệu, nhãn hàng mỹ phẩm, thời trang… quảng cáo sản phẩm của mình. Chính vì sự không rõ ràng về mục đích coi cuộc thi người đẹp là một hoạt động xã hội mang tính văn hóa hay là một hoạt động kinh doanh văn hóa cũng là một trong những yếu tố làm cho chất lượng của cuộc thi bị giảm sút.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã siết chặt hơn công tác quản lý đối với một số vi phạm thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn cố tình vi phạm, sau đó nhận sai, xin lỗi và nhận hình phạt "giơ cao đánh khẽ" khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu hình thức xử lý đã đủ sức răn đe?

Mới đây, Thanh tra Bộ VHTTDL đã có quyết định về việc xử lý lùm xùm xoay quanh cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017. Theo đó, cơ quan quản lý quyết định phạt đơn vị BTC cuộc thi số tiền 4 triệu đồng vì cho phép thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ dự thi. Điều đáng nói, cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 là một trong hai cuộc thi cấp quốc gia được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép trong năm 2017!

Xoay quanh quyết định này, có nhiều ý kiến khác nhau về việc quyết định trên có thỏa đáng hay không? Có ý kiến cho rằng xử phạt quá nhẹ, không mang tính răn đe và đề xuất phải tước vương miện Hoa hậu Đại dương vừa đăng quang. Trả lời về vấn đề này, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, trách nhiệm “thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho cá nhân đoạt giải” thuộc về “tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức cuộc thi” (theo điều 7, khoản 2, Nghị định 15/2016/NĐ-CP). Bộ VHTTDL chỉ có chức năng xử lý những vi phạm của BTC, phạt tiền hoặc rút giấy phép (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) tuỳ mức độ. Theo như trả lời của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì đơn vị này đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, là một trong hai cuộc thi cấp quốc gia được Cục này cấp phép trong năm 2017 mà Hoa hậu Đại dương 2017 bị xử phạt ngay sau khi kết thúc, thì chắc hẳn Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tăng cường chấn chỉnh, siết chặt hơn nữa công tác cấp phép, quản lý các hoạt động liên quan đến các cuộc thi nhan sắc; đồng thời rà soát lại tất cả quy định hiện hành, điều gì bất cập, không phù hợp thực tế nên sớm thay đổi, tránh tình trạng quản như không quản.

Việc tổ chức thi người đẹp, hoa hậu nhằm tôn vinh sắc đẹp, trí tuệ, ngoài ra còn góp vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Chính bởi vậy, trong thời gian tới, các nhà quản lý cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch hoạt động thi người đẹp, từ đó có thể đưa ra các đề án rõ ràng trong việc xác định các danh hiệu cũng như các nghĩa vụ, quyền lợi của hoa hậu, người đẹp, hoa khôi…

Cùng với đó, bên cạnh việc quy định rõ thời hạn tổ chức thi, tiêu chuẩn của thí sinh tham gia cuộc thi… cần có cả tiêu chuẩn của BTC cuộc thi, Ban giám khảo tham gia chấm thi... Đồng thời, chế tài xử phạt các vi phạm trong các cuộc thi người đẹp cũng nên được sửa đổi và đưa ra các mức phạt nặng hơn. Đặc biệt, với những cuộc thi thiếu chuyên nghiệp, để xảy ra những sự cố khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ như Hoa hậu Đại dương 2017, cần xử lý mạnh, thậm chí có thể dừng tất cả cuộc thi ban tổ chức đó xin cấp phép sau này, hoặc cấm đơn vị tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giải trí, tránh tình trạng "loạn hoa hậu", "nhà nhà thi hoa hậu" mà cái đẹp chưa thực sự được tôn vinh như hiện nay!

 

Ngọc Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực