Thương lượng việc tăng lương!

Thứ sáu, 04/08/2017 11:30
(ĐCSVN) - Đích cuối cùng của việc tăng lương tối thiểu vùng là người lao động vẫn có việc làm, cuộc sống ổn định và tốt hơn, còn doanh nghiệp thì phát triển nhanh và bền vững hơn!
 Dù lao động trong môi trường nặng nhọc, nhưng cuộc sống của người lao động vẫn khó khăn.
 (Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet.vn)

Việc làm và tiền lương luôn là vấn đề sống còn với người lao động và doanh nghiệp. Sự thật luôn hiện diện trong cuộc sống là người lao động luôn muốn tăng lương (càng nhiều càng tốt), còn doanh nghiệp thì luôn kêu khó để giãn tăng lương hoặc tăng ở mức thấp.

Dù Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có hai phiên họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, nhưng vẫn chưa chốt được mức tăng. Phiên họp đầu tiên, đại diện người lao động đề xuất mức 13,3%, còn đại diện người sử dụng lao động đề xuất mức tăng từ 2% đến dưới 5%. Đến phiên họp thứ hai, cả hai đều có sự điều chỉnh về mức tăng lương tối thiểu, nhưng khoảng cách chênh lệch giữa hai bên là 3%.

Từ năm 2008 đến nay, năm nào chúng ta cũng điều chỉnh mức lương tối thiểu, nhưng sự thật là rất nhiều người lao động vẫn sống cuộc sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. 3,75 triệu đồng/tháng là mức lương tối thiểu cao nhất đang áp dụng với vùng 1, nhưng khó có thể  bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người lao động, nhất là khi đang sống ở đô thị, đang nuôi con nhỏ và phụng dưỡng cha mẹ già.

Tăng lương tối thiểu vùng có kèm điều kiện là phải tạo ra chất lượng và năng suất lao động? Câu trả lời là không! Bởi khoản 1, điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Sẽ là thiếu công bằng nếu chỉ nói về khó khăn của người lao động mà quên đi những “chuyện khó nói” của người sử dụng lao động.

Dù cơ chế, chính sách ngày càng tốt cho doanh nghiệp, nhưng sự thật thì rất nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn do sức ép cạnh tranh, do phải chịu quá nhiều chi phí cả chính thức và không chính thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và khi nhiều doanh nghiệp không “vượt lên chính mình”, vượt qua trở ngại khách quan thì tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản cũng là điều dễ hiểu. Điều này được chứng minh, trong 7 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 27.408 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016!

Nhìn nhận đúng về khó khăn của người lao động và người sử dụng lao động để thấy rằng việc thương lượng hay “mặc cả” việc tăng lương tối thiểu vùng là bình thường, gần giống với nguyên tắc thỏa thuận trong giao dịch  dân sự, kinh tế. Nếu bỏ qua việc thương lượng để hành chính hóa bằng mọi giá việc tăng lương tối thiểu vùng chưa chắc đã có lợi cho người lao động và doanh nghiệp.

Đích cuối cùng của việc tăng lương tối thiểu vùng là người lao động vẫn có việc làm, cuộc sống ổn định và tốt hơn, còn doanh nghiệp thì phát triển nhanh và bền vững hơn!

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực