“65 năm giải phóng huyện An Biên - Ý nghĩa và bài học”

Thứ sáu, 26/04/2019 14:42
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học “65 năm giải phóng huyện An Biên - Ý nghĩa và bài học” góp phần làm sáng tỏ hơn về một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn; những đóng góp của quân và dân An Biên nói riêng, các bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh Kiên Giang nói chung ở giai đoạn cuối có nhiều khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 25/4/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học “65 năm giải phóng huyện An Biên - Ý nghĩa và bài học” (25/4/1954-25/4/2019). Tham dự Hội nghị có đồng chí Đặng Tuyết Em - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; 120 đại biểu là lãnh đạo, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phạm Công Khâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang cho biết: Hội thảo “65 năm giải phóng huyện An Biên - Ý nghĩa và bài học" là Hội thảo đầu tiên về sự kiện lịch sử quan trọng này. Với quan điểm khách quan, khoa học, phương pháp tiếp cận đúng đắn, với nhiều tư liệu và góc nhìn mới…, các tham luận sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn về một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn cũng như những đóng góp của quân và dân An Biên nói riêng, các bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh nói chung ở giai đoạn cuối có nhiều khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn được đúc kết từ chiến dịch giải phóng huyện An Biên năm 1954 được vận dụng vào công cuộc đổi mới hôm nay chắc chắn sẽ thiết thực góp phần củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở địa bàn Tây Nam bộ của Tổ quốc.


Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: QT)

Tại Hội thảo, hơn 60 bài tham luận của các nhà khoa học, trường đại học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, các nhân chứng lịch sử; các đồng chí là lãnh đạo trong và ngoài Quân đội làm rõ những luận điểm khoa học như: Chiến thắng An Biên đánh dấu sự thay đổi căn bản tương quan lực lượng trên chiến trường, cùng với các chiến thắng khác góp phần “chia lửa” với Mặt trận Điện Biên Phủ; Chiến thắng An Biên là kết quả tất yếu của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Trung ương Cục miền Nam, Liên Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây, của sự lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị; của các cấp ủy địa phương; của công tác Đảng-công tác chính trị; của tình đoàn kết quân-dân; của tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo, quyết chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 307 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương; sự đóng góp của Đảng bộ, quân và dân An Biên lúc bấy giờ.

Đại tá, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam đánh giá: Chiến thắng An Biên là một trong những sự kiện quân sự nổi bật, có sức lan tỏa và gây chấn động lớn vào thời điểm khi mà các mặt trận, các địa phương, đơn vị trên cả nước đang tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng về đẩy mạnh hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Đây có thể được coi là sự vận dụng nhạy bén và sáng tạo chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng tại một chiến trường để chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ. Với chiến thắng này, lần đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc có một huyện được giải phóng hoàn toàn. Với chiến thắng An Biên, vùng căn cứ kháng chiến ở miền Tây Nam bộ được mở rộng thêm, tạo địa bàn đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến và lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn. Đặc biệt, chiến thắng An Biên đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về công tác lãnh đạo, chỉ huy, về trình độ, khả năng hiệp đồng và kinh nghiệm tác chiến của lực lượng vũ trang ba thứ quân miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ…”./.

Tin, ảnh: Quốc Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực