Bắc Ninh phấn đấu thực hiện 5 quyết tâm chính trị

Thứ năm, 15/03/2018 10:40
(ĐCSVN) - Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 2088/QĐ-TTg, công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước về quá trình phát triển và là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố là đô thị thông minh.
Phố Tiền An, thị xã Bắc Ninh năm 1920, nay là phố Ngô Gia Tự, TP. Bắc Ninh.

 

Sức mạnh từ nguồn cội

Thị xã Bắc Ninh từ xa xưa vốn là nơi cư dân quần tụ hai bên đường huyết mạch Hà Nội - Lạng Sơn, từ ngã tư Cổng Ô đến phòng tuyến sông Cầu. Nơi đây gần một nghìn năm trước, dân tộc ta đã lập nên chiến công hiển hách, đè bẹp ý chí xâm lược của quan, quân nhà Tống, khẳng định chủ quyền “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.

Truyền thống yêu nước nồng nàn của miền quê trầm tích nhiều tầng văn hóa đã hun đúc ý chí quật cường của người dân Kinh Bắc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng hành cùng dòng chảy lịch sử, thị xã Bắc Ninh luôn có vị thế là đô thị tỉnh lỵ. Năm 1938, thị xã Bắc Ninh được xếp là thành phố thứ 5 của xứ Bắc Kỳ (sau các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và thị xã Hải Dương).  Ba mươi tư năm hợp nhất tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh không là tỉnh lỵ nhưng vẫn là đô thị, trung tâm kinh tế-văn hóa của vùng bắc phần Bắc Ninh.

Ngày 25/1/2006, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập thành phố Bắc Ninh, 8 năm sau công nhận là đô thị loại II. Ngày 25/12/2017, được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, cương vực địa lý của Thành phố hiện có 16 phường và 3 xã, diện tích tự nhiên 82,6 km2, dân số 50,2 vạn người (tính đến tháng 5-2017); là đơn vị hành chính có số dân đông nhất so với các huyện, thị xã trong tỉnh.

Từ mùa xuân 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập. Thị xã Bắc Ninh lại trở thành đô thị tỉnh lỵ, cũng là thời điểm đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một đô thị nhỏ, đường xá gồ ghề, lầy lội, có thời không điện, không nước máy - hai tiêu chí tối thiểu của một đô thị…, sau khi trở lại vị thế thị xã tỉnh lỵ, bộ mặt đô thị đã đổi thay từng ngày.

Đổi thay căn bản nhất là từ một đô thị chủ yếu làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, kinh tế tự cung tự cấp đã chuyển sang là một thành phố công nghiệp. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 1997-2016 tăng bình quân 15,25%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.600 USD (127 triệu đồng). Năm 2017, tỷ trọng kinh tế khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 98,7%;  nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn 1,3%. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã chuyển nhanh từ lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, xây dựng dịch vụ. Thu ngân sách thành phố năm 2017 đạt 2.086 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Thành phố Bắc Ninh trở thành một đô thị sầm uất, không gian đô thị được mở rộng. Trên địa bàn đã hình thành 3 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút gần 2.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Bắc Ninh như: Vincom, APEC... Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng cao cấp được xây dựng ngày càng nhiều, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của nhân dân và du khách.

Các dự án khu đô thị với quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Vũ Ninh - Kinh Bắc, Hòa Long - Kinh Bắc, Hồ Ngọc Lân III; Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (khu HUD); Khu đô thị mới Bắc đường Kinh Dương Vương; Khu đô thị mới Nam Võ Cường... là không gian sống hấp dẫn thu hút cư dân từ Hà Nội, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận về sinh cơ, lập nghiệp.

Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa hình thành từ lâu đời như: Thành cổ Bắc Ninh, một trong bốn tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ, Văn Miếu Bắc Ninh lưu giữ 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, ghi danh  677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc… trên địa bàn Thành phố đã hình thành những cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế bề thế như: Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa, Thư viện, Bảo tàng tỉnh…

Thành phố thông minh vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc

Hơn 20 năm trở lại vị thế đô thị tỉnh lỵ, thành phố Bắc Ninh đã có bước tiến dài. Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, thành phố Bắc Ninh đứng trước thời cơ và vận hội mới, hướng tới xây dựng thành phố thông minh vì lợi ích và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh...", thành phố đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính công, với trang thiết bị hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đáp ứng phục vụ được khoảng 100 lượt người trong cùng một thời điểm. Trung tâm Hành chính công đã góp phần tăng tính công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Người dân không phải mất nhiều thời gian và công sức trong việc tìm hiểu thủ tục hành chính. Trong cùng thời điểm, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực khác nhau, biết được tình trạng giải quyết hồ sơ của các cơ quan nhà nước thông qua tin nhắn SMS do phần mềm tự động gửi theo trình tự được mặc định.

Thành phố đã và đang triển khai các dự án sử dụng công nghệ thông tin, cung cấp các tiện ích dịch vụ trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, điều hành hệ thống phun nước, chiếu sáng công cộng; triển khai lắp đặt camera tại các nút giao thông, kết nối với các cơ quan có liên quan như: Công an, Đội quản lý trật tự đô thị... Thí điểm lắp đặt camera an ninh tại những khu vực trọng điểm thuộc phường Tiền An. Trang bị màn hình lớn tại trụ sở UBND phường, xã, phục vụ cho các hội nghị trực tuyến giữa tỉnh với thành phố đến cơ sở.

Một góc thành phố Bắc Ninh hôm nay. Ảnh: Hồng Minh

Hiện nay trên địa bàn Thành phố có gần 40% hộ gia đình có máy tính, gần 30% hộ gia đình có kết nối Internet, 93,9% các doanh nghiệp kết nối và sử dụng Internet. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có máy tính và kết nối Internet sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để  người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến trên mạng do tỉnh và thành phố cung cấp, đồng thời tác động  tích cực đến việc phát triển công dân điện tử. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, thành phố đã triển khai lắp đặt hệ thống wifi miễn phi trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với mạng internet, dễ dàng khai thác thông tin; đồng thời là cũng là kênh thông tin quan trọng phản ánh sự hài lòng của người dân, tiếp thu những ý kiến góp ý của nhân dân và doanh nghiệp.

Chuẩn bị hành trang cho tiến trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố luôn quan tâm chăm lo tạo nguồn nhân lực, có kiến thức về công nghệ thông tin; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng trẻ hóa và nâng cao chất lượng.

Đảng bộ thành phố Bắc Ninh hiện có trên 9.400 đảng viên, chiếm 17% số đảng viên toàn tỉnh; là đảng bộ có tỷ lệ đảng viên trên số dân cao nhất trong tỉnh. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố và phường, xã hiện nay trong độ tuổi dưới 40 được đào tạo bài bản, có kiến thức, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, năng nổ, có nhiều khát vọng, hoài bão, đã và đang tạo ra những dấu ấn trên lĩnh vực được phân công, được cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư tin tưởng và kỳ vọng.

Trong năm 2018, thành phố phấn đấu thực hiện 5 quyết tâm chính trị là:  100% phòng học được kiên cố hóa, cải tạo, nâng cấp, xây mới 20 trường học;  Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” của 19 xã, phường đạt tiêu chí Liên thông - Hiện đại - Thân thiện - Hiệu quả;  Trồng mới 20.000 cây xanh đô thị; 100% thôn, khu phố (hoặc liên thôn, khu phố) được lắp đặt hệ thống thiết bị luyện tập thể dục thể thao ngoài trời;  Tiếp tục đầu tư và triển khai các bước nâng cấp 3 xã lên phường, 

Trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố Bắc Ninh cũng còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp; với nền tảng ban đầu về hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghệ thông tin và nguồn lực chính trị, tinh thần…, diện mạo một thành phố thông minh, chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử sẽ hiện hữu trên thành phố miền Quan họ trong tương lai gần./.

Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực