“Bản hòa âm đa sắc” chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thứ tư, 17/04/2019 15:12
(ĐCSVN) - Chương trình “Bản hòa âm đa sắc” chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ ngày 19/4 đến ngày 21/4/2019, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và một số tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa với chủ đề “Bản hòa âm đa sắc” để thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

 

Họp báo giới thiệu về hoạt động (Ảnh:K.T)

Tại buổi họp báo ngày 17/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tham gia hoạt động có khoảng hơn 270 đồng bào thuộc các dân tộc Mông, Thái, Tày, Ê Đê, X’tiêng, Mường, Dao, Tà Ôi, Cơ Tu, Xê Đăng, Bahnar, Raglai, Khmer…; các già làng, trưởng bản, những người uy tín trong cộng động đồng bào các dân tộc; các nghệ sĩ, diễn viên của Học viện âm nhạc Việt Nam…

Điểm nhấn của hoạt động là Lễ khai mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) có chủ đề Bản hòa âm sắc màu tại “Ngôi nhà chung”. Mỗi dân tộc đều có một màu sắc văn hóa riêng, những hợp âm đa dạng cùng nhiều sắc màu dân tộc rực rỡ sẽ tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc trong văn hóa của cộng động 54 dân tộc anh em.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra Hội nghị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc Việt Namn nhằm tạo không gian giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời cùng nhau đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện dân tộc mình để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, phát triển du lịch.

Tiếp đến là chương trình “Sắc màu lễ hội” sẽ tổ chức tái hiện Lễ hội cồng chiêng của dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk với diễn tấu Cồng chiêng báo mừng tin vui Làng mở hội, quảng bá không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”; tái hiện Lễ hội Cúng cơm mới của đồng bào dân tộc X’tiêng.

Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” sẽ giới thiệu không gian trưng bày, chế tác nhạc cụ truyền thống tại không gian các làng dân tộc; hoạt động truyền dạy, hướng dẫn của các nghệ nhân để du khách tìm hiểu về đặc tính, cách thể hiện của mỗi loại nhạc cụ truyền thống dân tộc; hòa tấu nhạc cụ, khúc hát ca ngợi quê hương đất nước; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và các món ăn đặc sắc của dân tộc Mường, gà nấu mọi, gà nướng, thịt nướng của dân tộc Khơ Mú… cùng các trò dân gian nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều…

Trong khuôn khổ hoạt động, Ban Tổ chức lựa chọn, trưng bày 50 bức ảnh giới thiệu các hoạt động tiêu biểu Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và gặp gỡ, giới thiệu, xúc tiến sản phẩm du lịch của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tới các công ty lữ hành.

 

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực