“Đêm phố cổ”: Sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của Hội An

Thứ tư, 17/10/2018 15:48
(ĐCSVN) – “Đêm phố cổ Hội An”- một sự kiện văn hóa đặc sắc của cư dân Hội An, sau 20 năm nỗ lực tái hiện đã trở thành điểm đến, là một sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố Hội An hiện đại.

Đó là chia sẻ của ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao (VH-TT) TP. Hội An tại buổi tổng kết 20 năm tái hiện sự kiện trên, do UBND TP. Hội An và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào đầu tháng 10 vừa rồi.

Trước đó, trong báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” (gọi tắt là Đêm phố cổ Hội An), đại diện UBND TP. Hội An khẳng định: Đây là sản phẩm văn hóa du lịch riêng có, khá thành công về nhiều phương diện mà chính quyền và nhân dân TP. Hội An đã dày công nghiên cứu, phục dựng và phát triển trong thời gian qua. Đến nay, qua 20 năm thực hiện, “Đêm phố cổ Hội An” đã thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hội An và nhất là đối với du khách mỗi khi tìm về phố cổ Hội An.

Hát bài chòi do các nghệ nhân trẻ tại TP Hội An hiện nay thể hiện

Khẳng định sức lan tỏa và những ghi nhận của cộng đồng đối với sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn thông tin: Sự kiện “Đêm phố cổ Hội An” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam trao giải “THE GUIDE AWARDS” vào ngày 26/3/2004. Cùng với đó, thời gian qua nhiều  công ty du lịch lữ hành trong cả nước đã xây dựng chương trình tham quan để giới thiệu cho du khách; không ít phóng viên báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế thường xuyên chọn “Đêm phố cổ” để quay phim, chụp ảnh, làm nhiều bài phóng sự tài liệu và đưa tin

Chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức ban đầu khi bắt tay vào tái hiện sự kiện đầy ý nghĩa trên, Giám đốc Trung tâm VH -TT TP.Hội An Võ Phùng cho biết: Thời gian đầu khi triển khai Đề án, TP gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự phản ứng của người dân trong Khu phố cổ do chưa nhận thức hết được ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện Đề án; đặc biệt, một số nội dung khi thực hiện đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thói quen trong sinh hoạt của người dân như: Phố chỉ dành cho người đi bộ, tắt toàn bộ đèn chiếu sáng hiện đại, đèn chiếu sáng công cộng; chỉ chiếu sáng bằng ánh sáng lồng đèn, đèn cổ hoặc đèn giả cổ; toàn bộ hàng hóa phải đưa vào trong phía cửa trước… Tuy nhiên, qua kiên trì, quyết tâm tuyên truyền, vận động người dân thuộc 2 phường Minh An và Cẩm Phô nói riêng, người dân toàn TP.Hội An nói chung đã dần dần hiểu và đồng tình thực hiện.

Khi người dân đã đồng tình, ủng hộ, nhiều nội dung liên quan của Đề án dần đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả đáng kể. Trong đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống được tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy; điển hình là nghệ thuật hát hò khoan đối đáp, hát dân ca, bài chòi và các trò chơi dân gian vào Đêm phố cổ đã thực sự có sức hút, lôi kéo nhiều người ở nhiều lứa tuổi đến tìm hiểu hoặc tham gia. Dần dần số lượng các nghệ nhân, các đội, câu lạc bộ hát bài chòi được phát triển cả về số lượng lẫn nghệ thuật biểu diễn, trình bày. Đây cũng là cơ sở góp phần để UNESCO công nhận bài chòi nói chung và trò chơi bài chòi tại Hội An nói riêng là “Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”.

Đông đảo du khách tham quan tại phố đi bộ trong dịp "Đêm phố cổ Hội An"
được tổ chức hàng tháng

“Bên cạnh khôi phục và phát triển trò chơi dân gian hô bài chòi, Trung tâm VH -TT TP. Hội An còn chú trọng phục hồi, phát triển các trò chơi dân gian khác nhằm góp phần định hướng thị hiếu, đặc biệt là giáo dục lòng yêu mến các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống trong lớp trẻ, trong việc giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian địa phương và dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là cách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa một cách khéo léo, nhẹ nhàng nhưng đạt hiệu quả tốt”- ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT TP. Hội An khẳng định thêm.

Cùng với những chuyển biến trên, thông qua “Đêm phố cổ Hội An”, nhiều người dân Hội An và các doanh nghiệp có thêm cơ hội kinh doanh phục vụ du khách, từ đó góp phần đóng góp vào sự phát triển của TP cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của Hội An đến với du khách, bạn bè gần xa. Đặc biệt, theo thời gian, sự kiện này ngày càng thu hút đông đảo du khách đến với Hội An.

Tuy nhiên, để “Đêm phố cổ Hội An” thực sự ấn tượng và có sự khác biệt, theo ông Võ Phùng, ngoài thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế kinh doanh buôn bán trong phố cổ, các cấp chính quyền TP cũng cần giúp người dân nhận thấy được quyền lợi của mình đang được hưởng, từ đó toàn tâm, toàn ý tham gia; góp phần mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội cho thành phố nói chung và mỗi người dân, hộ kinh doanh nói riêng. Đồng thời, TP tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm những nội dung thiết thực, phù hợp, thể hiện chiều sâu và đậm sắc văn hóa truyền thống của đất và người Hội An./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực