Cùng nhân lên những điều tốt đẹp

Thứ sáu, 11/01/2019 17:42
(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các cấp, ngành, MTTQ và đoàn thể TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến; kêu gọi người dân Thành phố cùng nhau nhân lên những điều tốt đẹp, để lòng yêu thương và tình nhân ái nở hoa trong cuộc sống.

Sáng 11/1, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP. Hồ Chí Minh - lần 3. 17 tập thể và 79 cá nhân được vinh danh.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; đại diện lãnh đạo Thành phố, đại diện các bộ, ban, ngành.

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng các tấm gương điển hình.

Phát huy truyền thống thi đua yêu nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã “Cùng cả nước, vì cả nước” luôn nêu cao truyền thống anh hùng cách mạng với tinh thần năng động, sáng tạo, đem hết sức lực, trí tuệ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới để từng bước trở thành “đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ”, giáo dục văn hóa của cả nước. Trong suốt thời gian qua, phẩm chất nghĩa tình luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố, nhiều phong trào Thành phố khởi xướng đi đầu trong cả nước như: Phong trào vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, chung sức xây dựng nông thôn mới… thu hút nhiều tầng lớp người dân Thành phố tích cực tham gia. Các phong trào đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thành phố. Nhiều phong trào đã trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua của cả nước. Phẩm chất nghĩa tình, nhân ái dường như thấm đẫm trong mỗi con người Thành phố. Giữa những bộn bề lo toan tất bật với cuộc sống, vẫn tìm thấy những câu chuyện rất đẹp và bình dị về tình người, những việc làm không vụ lợi bản thân, không cần vinh danh, đậm chất nhân văn, nhân đạo, nghĩa tình sâu sắc.

Đó là cụ ông, cụ bà dù tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội; là những người thầy ngày đêm tận tụy cùng những học trò khó khăn; những người dân, người lao động đoàn viên, hội viên luôn nghĩ tới cái chung, vì cộng đồng hơn là nỗi cơ cực của chính bản thân mình. Đặc biệt là các cơ sở thiện nguyện, các tập thể cũng đã kết nối những tấm lòng cao cả cùng chung tay góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người.

Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp đáng quý của các cá nhân, tập thể vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố. “Những việc làm của họ rất thầm lặng, không ồn ào, không vụ lợi, ít người biết đến nhưng đó là những hành động vẫn hàng ngày đóng góp tích cực để xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, ấm áp tình người, giàu tính nhân văn, lá lành đùm lá rách. Đó là những tấm gương đẹp, là hạt giống ươm mầm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo”, Chủ tịch UBND Thành phố nói.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, các tập thể và cá nhân được vinh danh hôm nay còn rất khiêm tốn so với hàng trăm, hàng triệu người dân Thành phố đang đóng góp thầm lặng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thành phố, đất nước. Những tấm gương cao cả ấy khẳng định giá trị chân, thiện, mỹ. Điều đáng trân trọng là mỗi suy nghĩ của họ đều xuất phát với tinh thần tự nguyện, không nghĩ đến việc vinh danh, được khen thưởng mà chỉ bằng chữ “Tâm” và tấm lòng nhân ái muốn làm cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn.

Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn mỗi tập thể, cá nhân được vinh danh hôm nay luôn phát huy tinh thần nhân ái, vì xã hội, vì cộng đồng để tiếp tục có những đóng góp vì mục tiêu cao cả làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể Thành phố tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Đồng thời, kêu gọi người dân Thành phố cùng nhau nhân lên những điều tốt đẹp, để lòng yêu thương và tình nhân ái nở hoa trong cuộc sống; để chúng ta có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua khó khăn; để cái đẹp, cái tốt, nghĩa tình mãi trở thành nếp sống của con người Thành phố.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh xúc động chia sẻ tại buổi lễ và
tặng hoa, tặng quà cho Khoa chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện Nhân ái.

Chia sẻ tại Lễ Tuyên dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong rằng với tinh thần thép, với khát vọng, lạc quan, yêu nghề, lòng nhân ái của các tập thể, cá nhân sẽ tiếp tục được lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước cũng mong phong trào này của Thành phố sẽ tiếp tục giành được những thành tựu cao hơn nữa trong thời gian tới. Thành phố sẽ có nhiều hơn nữa những tấm gương thầm lặng cao cả, xứng đáng với TP. Hồ Chí Minh anh hùng,  xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tại buổi Lễ, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ của đại diện một số tấm gương điển hình. Đó là bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình tham gia công tác trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố, bà đã trợ giúp 40 trường hợp bảo vệ quyền trẻ em, được mệnh danh là “Lá chắn thép” bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bạo hành; trợ giúp pháp lý miễn phí trong việc tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra cho đến khi kết thúc vụ án cho các em bị bạo hành, bị xâm hại, trẻ em bị bỏ rơi... Ngoài ra, bà thực hiện công tác tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân.

Đó là Khoa chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện Nhân ái. Nơi đây đã tiếp nhận điều trị và chăm sóc toàn diện hơn 400 lượt bệnh nhân. Bệnh nhân khi đến đây đều trong tình trạng rất yếu, họ đã chuyển qua giai đoạn 3, giai đoạn 4 của bệnh AIDS. Ai cũng bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, các cơ quan phủ tạng đều bị viêm nhiễm... Vì thế, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc cật lực, đặc biệt không có sự phân biệt đối xử. Ngoài ra, Khoa tổ chức và tham gia khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đơn vị trú đóng; vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng quà, ủng hộ tiền và hiện vật cho bệnh nhân HIV/AIDS tại bệnh viện./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực