Đường Hồ Chí Minh - biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc

Thứ ba, 14/05/2019 22:41

(ĐCSVN) – Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc” có đóng góp của hơn 80 bài báo cáo tham luận, khoa học. Các tham luận đã tập trung vào các vấn đề: Đánh giá, phân tích và làm rõ về tuyến vận tải chi viện chiến lược đường Trường Sơn là thành công đặc biệt xuất sắc của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, là kết quả tất yếu của sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Đắk Nông chủ trì Hội thảo

Ngày 14/5, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Đắk Nông đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc” với sự tham dự của hơn 500 đại biểu của Trung ương và các địa phương. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị; Lê Diễn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu V.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, UVTW Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam
trình bày đề dẫn Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đã nêu rõ, cách đây tròn 60 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam, tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh từng bước được hình thành, góp phần hiện thực hóa quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân và dân hai miền Nam-Bắc. Bằng nỗ lực phi thường, ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000km gồm 5 trục dọc men theo dải Trường Sơn, 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu hệ thống đường vòng tránh, đường ống dẫn xăng dầu, đường thông tin liên lạc, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng…

Trong suốt 16 năm (1959-1975), trên đường Trường Sơn, ta đã chuyển được trên một triệu tấn vật chất, vũ khí giao cho các chiến trường và bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, góp phần cung ứng kịp thời nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các chiến trường. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh đã chiến đấu và bảo đảm chiến đấu hơn 2500 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 17000 tên địch, bắn rơi 2455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia đã hy sinh làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại với những chiến công hiển hách. Từ khi xây dựng và phát triển, hệ thống đường giao thông huyết mạch Trường Sơn không là tuyến vận tải chiến lược, nơi hội tụ sức mạnh, niềm tin và ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất vì độc lập dân tộc, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Tuyến đường này còn là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Hơn 500 đại biểu của Trung ương, các địa phương, các nhân chứng lịch sử tham dự Hội thảo.

Hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 bài báo cáo tham luận, khoa học của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Với cách tiếp cận khách quan khoa học, Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Đánh giá, phân tích và làm rõ về tuyến vận tải chi viện chiến lược đường Trường Sơn là thành công đặc biệt xuất sắc của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, là kết quả tất yếu của sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Tái hiện một cách chân thực cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt trên tuyến lửa Trường Sơn, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng bảo đảm, vận tải… Từ đó, khẳng định ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất đất nước; làm nổi bật nghệ thuật quân sự độc đáo, linh hoạt của quân và dân ta trong quá trình xây dựng, chiến đấu, bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này.

Hội thảo tập trung làm rõ thêm về mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; sự ủng hộ tích cực, giúp đỡ chân thành của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và các nước XHCN anh em. Đánh giá, rút ra những bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn quý báu có giá trị lý luận, thực tiễn trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và bảo vệ Tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn. Những bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng, về nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần vận dụng hiệu quả vào xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận, thảo luận về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của tuyến đường Trường Sơn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội như Nhân dân các dân tộc Trường sơn-Tây Nguyên với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn; Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh-Nhân tố góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trên chiến trường Quân khu 5; Đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiệm vụ chi viện chiến lược…cũng như chia sẻ của các nhân chứng Lê Trúc Phương (Đắk Nông), nguyên Chánh Văn phòng Ban hành lang Quảng Đức (cũ); Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng…

Thượng tướng Lê Chiêm, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh, các tham luận, thảo luận góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, trong đó có một số khía cạnh mới về sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và bảo vệ tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Sau Hội thảo, các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, quân sự tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới tuyến đường chiến lược để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử này,  cơ sở phục vụ nghiên cứu lâu dài. Các cơ quan, đơn vị, học viên, nhà trường trong quân đội tích cực phát huy kết quả nghiên cứu vào thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng của cơ quan, đơn vị mình. Các cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước tiếp tục đưa tin rộng rãi trong và ngoài nước góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị lịch sử tuyến đường Hồ Chí Minh; khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực cường góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tin, ảnh Phong Lê - Văn Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực