Khai mạc Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV

Thứ bảy, 16/02/2019 19:27
(ĐCSVN) - Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ III đã khai mạc ngày 16/2 tại Hà Nội.

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cùng gần 200 nhà thơ, nhà văn dịch giả… đến từ 46 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ III là sự kiện giao lưu văn hóa lớn nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2019 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nơi trên thế giới. Thông qua hoạt động giao lưu văn học, thi ca lần này, Ban tổ chức hy vọng có thể gắn kết lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người.


Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Trong thế kỷ trước, các nhà văn, nhà thơ thế giới đã có nhiều sáng kiến, bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của Tổ quốc; trong đó không ít người đã bị truy nã, cầm tù, anh dũng hy sinh như những chiến sĩ của Việt Nam ngoài mặt trận. Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những chiến sĩ quốc tế cao cả đó... Trong xu hướng hội nhập ngày nay, ngày càng đông bạn bè quốc tế đến Việt Nam bằng con đường du lịch, thương mại và các hoạt động thiện nguyện khác, qua đó tiếp xúc với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế quan tâm tới văn học nghệ thuật Việt Nam, để tiếp cận, khám phá “bản chất, đặc thù, và chiều sâu của văn hóa Việt”.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, văn học Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước, khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng; đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung, làm giàu cho thế giới. Với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, tại Việt Nam, việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới chưa bao giờ diễn ra nhộn nhịp, cập nhật, thông thoáng như hiện nay. Sách dịch được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và chiếm thị phần cao trên thị trường sách của cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều nhà thơ, nhà thơ quốc tế đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ đất nước. Các nhà thơ cũng mong muốn văn học Việt Nam cần được giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế trong thời gian tới.

Có tới hơn 200 đại biểu nước ngoài tham dự sự kiện này. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu quốc tế… đối với văn học Việt Nam. Tuy nhiên, theo các đại biểu, trong những năm qua, dù có nhiều cố gắng để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhưng sự hiện diện của văn học Việt Nam trên thế giới vẫn còn rất khiêm tốn.

Tại hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận về việc biên dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng; tính khả thi trong việc giao lưu thơ ca quốc tế; giao lưu văn hóa, văn học… Các nhà văn, nhà thơ quốc tế cho rằng, văn học và thơ ca có thể góp phần thay đổi thế giới, vì vậy cần tìm cách làm cho văn học và giao lưu văn hóa trở nên mầu nhiệm hơn, làm cho sức chinh phục của ngôn ngữ ngày càng mạnh mẽ hơn trước; các nhà văn, nhà thơ cũng cam kết thông qua giao lưu văn học để gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người…

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III được tổ chức cùng với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII từ ngày 16-21/2, tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.

Dịp này, 3 ấn phẩm “10 thế kỷ văn học Việt Nam”, tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” sẽ được xuất bản bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh nhằm giới thiệu tới độc giả trong nước và quốc tế./.

 

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực