Mùa cốm xanh về…

Thứ sáu, 20/09/2019 16:15
(ĐCSVN) - Giữa ngày giữa thu, chúng tôi về thăm một ngôi làng nhỏ có làm cốm truyền thống hàng trăm năm ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - nơi từ lâu nổi tiếng xa gần với đặc sản cốm xanh thơm ngon đặc biệt.

Nằm trong một quận rộng lớn ở Thủ đô nhưng phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn lưu giữ được những nét thuần Việt đậm chất làng xã của riêng mình.

Trong làng vẫn có những con đường quanh co chật hẹp, dân cư quy tụ tổ chức theo cụm. Ở đó, người ta có thể mua được bất cứ loại rau củ quả hay các sản vật  với giá cả rất phải chăng.

Nét truyền thống còn được thể hiện rõ nét qua các ngày hội làng, hội đình hay công việc hiếu hỷ. Sự đoàn kết, đùm bọc của người làng nước nơi đây dường như không chút nhạt phai đi giữa đô thị.

Vì có lợi thế “làng giữa phố” nên nơi đây cũng đặc biệt thu hút rất nhiều công nhân, lao động, người đi học, công tác gốc các tỉnh lẻ tìm đến thuê nhà, ở trọ. Do vậy nghề kinh doanh thuê nhà ở đây cũng rất phát triển, cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy kinh tế có khá giả lên rất nhiều, nhưng nghề làm cốm xanh vẫn được người làng duy trì, phát triển ổn định suốt hàng trăm năm qua.

Các công đoạn để làm ra một mẻ cốm xanh.

Nhắc đến phường Mễ Trì, nhiều du khách nhớ ngay đến món cốm có màu xanh ngọc, bởi nó là một trong các loại đặc sản đặc trưng của Hà Nội nên được đông đảo người dân, du khách biết tới. Đến Mễ Trì những ngày này, chỉ cần đi tới đầu làng chúng ta đã thấy hương cốm  thơm phức, ngào ngạt.

Phường Mễ Trì có 2 làng sản xuất cốm. Làng Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng. Hiện cả 2 làng này vẫn còn giữ được những công đoạn làm cốm thủ công từ thời các cụ để lại.

Nếu đến thăm Mễ Trì thời điểm này, chúng ta sẽ được chứng kiến làng cốm xanh hoạt động nhộn nhịp. Từ 4h sáng, những tiếng âm thanh “bộp, bộp, bộp” lại vang lên, đập liên hồi, không ngừng nghỉ như báo hiệu ngày mới đã bắt đầu. Đó là âm thanh của tiếng chày giã cốm được phát ra từ những cơ sở sản xuất cốm trong làng.

Để làm ra được những mẻ cốm dẻo, thơm ngon, mang đậm hương vị tiết trời thu, những người làm cốm phải dậy từ sáng sớm, chuẩn bị đồ đạc, nguyên vật liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, người dân phường Mễ Trì đã có ngót 40 năm làm cốm xanh, thời điểm này đang là mùa làm cốm chính vụ. Muốn cốm ngon, có hương vị, vẫn giữ được màu xanh ngọc thì cốm phải được làm từ nếp cái hoa vàng, gặt lúa đúng thời điểm. Tức là, người dân phải gặt lúa từ lúc lúa còn non, hạt vừa chớm mẩy và căng sữa.

Sau khi gặt lúa về, xếp gọn từng bông lúa sao cho gọn gàng rồi đưa vào máy tuốt hoặc tuốt bằng tay. Tiếp đến là cho lúa non vừa tuốt vào thùng nước lớn để những hạt lúa lép nổi lên mặt nước và vớt loại bỏ chúng.

Sau đó, vớt lúa non ra ngoài rổ để cho ráo nước rồi đưa vào chảo rang. Tùy từng kích cỡ chảo, mà gia đình đổ lúa non vào rang. Để có được mẻ cốm ngon, đòi hỏi người thợ trực tiếp rang lúa non phải thực sự khéo tay và tinh tế.

“Bước quan trọng nhất của làm cốm là công đoạn rang cốm, thường một mẻ cốm rang phải mất gần 1 tiếng, phải rang vừa lửa để chế biến thành món cốm tươi ngon nhất, cốm quá lửa sẽ đỏ, lửa non sẽ bị sống. Sau khi rang xong thì đem ra ngoài để nguội rồi mới cho vào cối để giã” - ông Nguyễn Hữu Trí, một người làm nghề cốm ở làng Mễ Trì cho biết.

Cách ăn cốm đầy thú vị và tao nhã là chuối tiêu chín chấm cốm xanh.

Theo kinh nghiệm của người dân Mễ Trì, khâu giã cốm cũng phải vô cùng tinh tế thì hạt cốm mới xanh, mịn, có độ dẻo và giữ được hương vị. Trong quá trình giã cốm, người thợ phải thật đều tay, khéo léo.

Sau một lượt giã thì đem ra sẩy vỏ trấu cho sạch rồi lại cho vào giã và cứ làm như thế cho đến khi sạch vỏ trấu thì thôi. Và, giã đến khi nào sờ tay thấy cốm mềm thì là được. Mọi công đoạn làm cốm chỉ gói gọn trong 1 ngày.

Cốm thành phẩm được gói trong 2 lớp lá và được buộc bằng những sợi rơm vàng. Lớp trong là lá ráy xanh, tươi non, căng bóng nhựa sống, giúp cho cốm luôn mềm dẻo, giữ được màu xanh ngọc. Lớp ngoài là lá sen già để hương sen ôm trọn vào lòng hương cốm.

Có lẽ vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ này mà cốm xanh được người Hà Nội chọn làm món quà vừa dân dã vừa ngon để đem đi biếu bạn bè, người thân như một chút gợi nhớ về mùa thu Hà Nội…

Ở Hà Nội, mỗi người sẽ tự chọn cho mình những cách khác nhau để thưởng thức cái hương vị đồng quê mộc mạc ấy như làm cốm xào, chả cốm, xôi cốm, chè cốm, bánh cốm... Nhưng, với người dân Mễ Trì, họ không thể bỏ qua cách ăn đầy thú vị và tao nhã là chuối tiêu chín chấm cốm xanh.

Nghề làm cốm vất vả, cực nhọc nhưng người dân ở phường Mễ Trì vẫn quyết tâm bám nghề, duy trì làng nghề truyền thống có từ hơn 100 năm nay. Vì thế, mà năm nào phường Mễ Trì cũng long trọng tổ chức ngày hội cốm Mễ Trì. Ngày hội thu hút đông đảo du khách thập phương, người dân tham dự.

Đồng chí Đỗ Thị Soạn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết: Nghề làm cốm ở địa phương chúng tôi là nghề truyền thống đã hàng trăm năm tuổi. Cốm Mễ Trì là một thứ quà tao nhã, là đặc sản cho người đi xa nhớ về Hà Nội. Đặc sản cốm của địa phương tuy là món ăn dân dã nhưng cũng rất sang trọng. Trong làng có những gia đình 4 đời làm nghề cốm. Chúng tôi thấy tự hào về nghề cốm do cha ông truyền lại, địa phương mong muốn hạt cốm đặc sản của làng Mễ Trì sẽ ngày càng được nhiều người biết tới…

Khi tả về mùa thu Hà Nội, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có cách truyền tải chân thật và giàu cảm xúc: “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”.

Chỉ cần đọc hết 4 câu thơ trên, cũng đủ cho chúng ta hiểu thu Hà Nội thế nào? Còn với người dân phường Mễ Trì nói riêng và người dân Hà Nội nói chung, mùa thu gợi nhớ đến món cốm xanh, một loại quà đặc trưng của Hà Nội được đông đảo người dân cả nước đón nhận.

Nếu có dịp ghé qua làng cốm Mễ Trì, du khách đừng quên thưởng thức trà và cốm xanh trong tiết thu  Hà Nội./.

Bài, ảnh: Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực