Ngày phụ nữ thêm ấm lòng mẹ

Thứ ba, 22/10/2019 20:13
(ĐCSVN) - Đi trong âm vang trầm hùng của ca khúc “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” phát rộn ràng khắp đường làng ngõ xóm, chúng tôi thêm trân quý giá trị của độc lập tự do và những hy sinh lớn lao của các đối tượng chính sách trong đó có các mẹ Việt Nam anh hùng.
Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Thiệu Hóa và lực lượng dân quân tự vệ xã Thiệu Giang thăm hỏi, tặng quà mẹ Lại Thị Gia. Ảnh: Mạnh Hùng

Chúng tôi cùng Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Lại Thị Gia, ở thôn Đa Lộc, xã Thiệu Giang vào thời điểm cả nước rộn ràng các hoạt động chúc mừng, dành những tình cảm tốt đẹp nhất tới những người phụ nữ Việt Nam.

Khi anh Đặng Đình Quang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thiệu Giang bước vào căn nhà cấp bốn dung dị nằm sâu trong ngõ đã ngả màu thời gian, lại bên giường rồi ghé vào tai mẹ nói nhỏ: “Mẹ ơi! Có các anh ở “huyện đội” đến chơi mẹ ạ!”. Mẹ ngồi đó, không còn đi lại được nữa, tấm lưng còng khắc họa nên hình dáng tần tảo của những người mẹ Việt Nam. Đã bước qua tuổi 100 và mọi sinh hoạt phải nhờ đến con cháu nhưng cách mẹ nhìn chúng tôi vẫn ánh lên khí phách của người phụ nữ Việt Nam kiên cường mặc cho thời gian đã phủ lên đôi mắt mẹ một màng mỏng mờ đục. Mẹ nhận ra Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính trị viên Ban CHQS huyện, mấy anh ở Ban CHQS xã hay đến giúp mẹ việc nhà, mấy chị em dân quân khi rảnh lại đến gội đầu cho mẹ và dừng ánh mắt trìu mến ấy trên gương mặt của tôi. Khi hiểu chuyện, mẹ nhẹ nhàng đưa cánh tay gầy guộc chỉ cho tôi bức di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công hai người con của mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Một cách ân cần, giọng run run, mẹ nói không rõ tiếng: “Uống nước, ăn trái cây đi các con. Mắt mờ, tai kém, đứa nào hỏi chuyện thì nói to giúp mẹ nhé. Anh Kháng (Đặng Đình Kháng, con trai mẹ - PV) thổi cho mẹ nồi cơm, hôm nay mấy đứa phải ở lại ăn với mẹ bữa cơm”.

Mẹ không nói được nhiều nhưng câu chuyện rôm rả của hai người em gái mẹ năm nay cũng đã ngoài 90 và bà con chòm xóm đã tái hiện lại cho chúng tôi về những mất mát không gì bù đắp nổi mà mẹ phải chịu đựng. Mẹ Gia sinh được 9 người con, trong đó có hai liệt sĩ, hiện nay mẹ ở với vợ chồng anh Kháng. Cách đây hơn 50 năm mấy người con trai của mẹ đều lần lượt theo tiếng gọi non sông lên đường nhập ngũ khi các anh mới chỉ mười tám, đôi mươi. Hai lần nghe tin họng súng quân thù cướp đi hai người con trai là liệt sĩ Đặng Đình Ái và liệt sĩ Đặng Đình Định là hai lần mẹ nén nỗi đau, kiên cường đứng vững, làm chỗ dựa cho cả gia đình trong những năm đất nước còn nhiều khó khăn.

Ánh mắt mẹ cương nghị nói ngắt quãng: “Nước mất thì nhà tan! Đàn ông con trai thời loạn không đi đánh giặc thì làm gì”. Nhưng khi tôi hỏi hai anh giờ yên nghỉ ở đâu thì ẩn sâu trong đôi mắt đôn hậu, chất phác ấy là dòng lệ chỉ chực trào ra. Được biết, liệt sĩ Đặng Đình Ái hy sinh năm 1968 tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị còn liệt sĩ Đặng Đình Thịnh hy sinh năm 1978 tại chiến trường Campuchia. Mẹ nói: “Đứa nào mẹ cũng thương nhưng thằng Định còn được an ủi phần nào khi thường xuyên được gia đình vào thăm, nhang khói ở Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Còn thằng Ái vẫn chưa tìm thấy, chỉ biết đêm giao thừa năm 1968, khi Bác Hồ đọc thư chúc Tết thì đơn vị nó hành quân, bị chỉ điểm, máy bay địch lao đến đánh bom rồi thả lính xuống càn quét cả đơn vị…”.

Mẹ bảo, ước mơ có một cuộc sống đầm ấm bên chồng con nhưng giặc giã lại giày xéo quê hương, cướp đi những người thân yêu nhất của mẹ. Những vành khăn trắng nối tiếp trên đầu càng làm mẹ thêm căm thù giặc, mẹ tích cực hoạt động cách mạng ở địa phương, trực tiếp tham gia tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Hai lần mẹ giấu nước mắt vào lòng khi cầm trên tay giấy báo tử của các anh. Giờ đây, mẹ sống trong sự đùm bọc của tình làng, nghĩa xóm cùng sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, hưởng ứng phong trào phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, Ban CHQS huyện Thiệu Hóa đã nhận phụng dưỡng để tri ân, động viên mẹ tuổi xế chiều. Từ đó, ngôi nhà nhỏ đơn sơ thêm ấm áp và vui hơn bởi thường xuyên có cán bộ, nhân viên LLVT huyện đến thăm mẹ. Hàng tháng, ngoài trích 500.000 đồng/tháng từ quỹ đơn vị, cán bộ, nhân viên còn thường xuyên đến quét dọn, làm vườn giúp mẹ. Nhận món quà từ anh Toàn, mẹ vui lắm còn anh Kháng thì cảm động nói thay lời mẹ: “Quê hương, đất nước đang đổi mới, kinh tế càng phát triển thì Đảng, Nhà nước càng có điều kiện để quan tâm đến đối tượng chính sách như mẹ tôi. Mong sao ai cũng có cuộc sống đủ đầy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Hồng Quang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hóa cho biết: “Trong số các mẹ VNAH còn sống, Ban CHQS huyện nhận phụng dưỡng mẹ Gia. Không chỉ đồng hành cùng địa phương phụng dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ VNAH, các anh còn có nhiều đóng góp vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như tham gia xây nhà tình nghĩa; tu bổ, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ… Những việc làm đó đã để lại trong nhân dân huyện nhà nhiều tình cảm tốt đẹp đối với Bộ đội Cụ Hồ”./.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực